Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau, trái cây đạt 592 triệu USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt là rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản tăng trưởng cao.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau, trái cây đạt 592 triệu USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt là rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản tăng trưởng cao.
Khách hàng các nước tìm hiểu sản phẩm rau, trái cây tươi của Việt Nam tại triển lãm HortEx Vietnam 2023 vừa được tổ chức ở TP.HCM. Ảnh: B.NGUYÊN |
Tuy nhiên, ngành sản xuất rau, trái cây tươi trong nước cũng đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường có nhiều thay đổi, nhất là yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu rau, trái cây tươi ngày càng gắt gao hơn.
Tăng trưởng ấn tượng
Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa cho hay: “Xuất khẩu rau, trái cây Việt Nam đang có một số thuận lợi khi nhu cầu của thế giới gia tăng và Việt Nam có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng giúp nhiều dòng thuế xuất khẩu rau, trái cây giảm dần hoặc đã về 0%, tăng cạnh tranh cho mặt hàng nông sản của Việt Nam”.
Theo bà PHAN THỊ THU HIỀN, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, từ năm 2018, thị trường Trung Quốc có rất nhiều thay đổi ảnh hưởng lớn đến tập quán sản xuất của nông dân Việt Nam. DN xuất khẩu trái cây tươi phải cập nhật thường xuyên các yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch của các nước nhập khẩu, vì họ ngày càng mở rộng hơn danh mục các chất cấm. |
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam, chiếm đến 57,5% và tiếp đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai nhận xét, Việt Nam thuộc tốp đầu của những quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau, trái cây Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 2 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm 2021. Từ những tháng cuối năm 2022 đến nay, xuất khẩu rau, trái cây của Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng tốt, nhất là mặt hàng sầu riêng. Dự kiến năm 2023, trái sầu riêng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong các nhóm hàng trái cây xuất khẩu vào Trung Quốc, vươn lên tốp đầu về trái cây xuất khẩu có giá trị cao. Ngoài ra, một số mặt hàng trái cây khác cũng có tiềm năng tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau, trái cây vào các thị trường khó tính cũng rộng mở hơn. Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Xuất khẩu trái cây tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2023 do Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 đã tạo đà cho xuất khẩu năm 2023. Ngoài ra, ngay từ đầu năm, ngành rau, trái cây đã ghi nhận sự tăng trưởng ở các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Canada, châu Âu”.
Riêng Đồng Nai, với diện tích gần 76,7 ngàn ha cây ăn trái, tỉnh có nhiều lợi thế xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, đến nay toàn tỉnh có 120 vùng trồng đã được cấp mã số và 58 cơ sở đóng gói xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Australia, New Zealand... Tỉnh đang đẩy mạnh làm mã số vùng trồng và nhân rộng các vùng sản xuất tập trung đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Chỉ riêng mặt hàng chuối cấy mô, dự kiến trong năm 2023, Đồng Nai sẽ xuất khẩu trên 500 ngàn tấn, tăng cả trăm ngàn tấn so với năm 2021.
Nhiều nét mới về thị trường
Dự báo năm 2023, xuất khẩu rau, trái cây sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu đặt ra ngày càng cao.
Khách hàng các nước tìm hiểu sản phẩm rau, trái cây tươi của Việt Nam tại triển lãm HortEx Vietnam 2023 vừa được tổ chức ở TP.HCM. Ảnh: BÌNH NGUYÊN |
Ông Nông Đức Lai cho biết thêm, Trung Quốc đang nâng cao các tiêu chuẩn nhập khẩu các mặt hàng rau, trái cây tươi không thua gì các thị trường khó tính. Ví dụ tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này ngày càng khó hơn. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang Trung Quốc nên có nhân lực giỏi tiếng Trung và chủ động tìm hiểu mọi thông tin, quy định mới của thị trường này. Vì Trung Quốc không chỉ nâng cao các tiêu chuẩn mà việc giám sát chất lượng cũng được thực hiện chặt chẽ hơn, nếu không đạt thì lô hàng không xuất được.
Rau, trái cây xuất khẩu, sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng mỗi thị trường lại có yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau. Xuất khẩu vào châu Âu, các DN phải chú ý là 100% hàng nhập vào nước họ đều được test mẫu kiểm tra chất lượng, nếu không đạt sẽ bị trả về và bị cấm nhập khẩu. Sản phẩm tốt không chỉ là đủ chuẩn xuất khẩu mà phải cả quá trình phân phối, đến tay người tiêu dùng vẫn đạt chất lượng. Nhiều DN chủ quan, chỉ tính thời gian vận chuyển mà không cộng thêm thời gian phân phối, người tiêu dùng sử dụng nên thất bại.
Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan) Jos Leeters cho hay, vừa qua, một chuỗi siêu thị phân phối lớn nhất ở châu Âu đã thông báo từ tháng 3-2023, họ sẽ dừng nhận những lô hàng trái cây vận chuyển bằng đường hàng không. Điều này cho thấy có sự thay đổi về xu hướng vận chuyển trái cây xuất khẩu. Một thách thức không nhỏ hiện nay là chưa đến 5% tổng sản lượng trái cây tươi Việt Nam được xử lý, đóng gói chuẩn chỉnh để có thể xuất khẩu vào các thị trường cao cấp. Ngoài ra, trước đây, yếu tố trách nhiệm xã hội của DN xuất khẩu không bắt buộc nhưng hiện nay bắt buộc phải có khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Bình Nguyên
Ông LÊ VĂN ĐỨC, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT):
Xây dựng chuỗi liên kết cây ăn trái an toàn cho thị trường xuất khẩu
Xuất khẩu rau, trái cây tươi Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây. Xuất khẩu ngành hàng này có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hiện đã phục hồi nhanh chóng, là ngành hàng xuất siêu của ngành Nông nghiệp.
Từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là những tháng xuất khẩu cao vì nhiều nước không sản xuất được vào mùa Đông. Đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc sản xuất rải vụ cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Hạn chế của Việt Nam là sản xuất tương đối nhỏ, lẻ nhưng cũng có mặt lợi thế là chúng ta duy trì được nguồn gen đa dạng, độc đáo. Điểm yếu nhất là khâu bảo quản, hệ thống kho lạnh của ta còn quá ít cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu rau, trái tươi của chúng ta còn rất hạn chế.
Từ đầu năm đến nay, Bộ NN-PTNT tiếp gần 20 đoàn nước ngoài, nội dung làm việc chủ yếu là về tiêu chuẩn, xuất khẩu rau quả với đòi hỏi ngày càng cao. Bộ NN-PTNT đang tập trung triển khai đề án phát triển cây ăn trái chủ lực xuất khẩu. Mục tiêu tăng cường liên kết sản xuất; ưu tiên phát triển diện tích giống chất lượng cao, phù hợp với thị trường; đặc biệt là không chạy theo tăng diện tích, sản lượng mà tập trung vào chất lượng và sản xuất an toàn.
Ông BOB WANG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc):
Mong hợp tác với nông dân, doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam thuộc 5 nhà xuất khẩu trái cây hàng đầu vào thị trường Trung Quốc. Nhu cầu trái cây chất lượng cao của Trung Quốc ngày càng gia tăng, mức tiêu dùng đang cao lên với sản phẩm trái cây tươi an toàn, thị trường cao cấp đang dần hình thành.
Mô hình thương mại điện tử với mặt hàng trái cây tươi xuyên biên giới tăng lên nhanh chóng. Chúng tôi có hơn 300 doanh nghiệp thành viên thu mua các mặt hàng như: sầu riêng, chuối, mít, thanh long và nhiều mặt hàng khác. Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong kinh doanh thương mại điện tử về mặt hàng trái cây tươi. Hai bên sẽ trao đổi, định giá trước nhằm giảm bớt các mắt xích trung gian, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nông dân Việt Nam và thương nhân Trung Quốc. Chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình kết nối, quảng bá cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc và rất hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Lê Quyên (ghi)