Báo Đồng Nai điện tử
En

Giết mổ động vật không phép vẫn còn tràn lan

09:04, 15/04/2023

Ở các khu đô thị lớn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt như TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, nhiều cơ sở giết mổ động vật không phép tồn tại hàng chục năm qua. Nhiều cơ sở giết mổ không phép có lượng heo, trâu bò đưa vào giết mổ còn nhiều hơn cả các cơ sở có phép.

Ở các khu đô thị lớn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt như TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, nhiều cơ sở giết mổ động vật không phép tồn tại hàng chục năm qua. Nhiều cơ sở giết mổ không phép có lượng heo, trâu bò đưa vào giết mổ còn nhiều hơn cả các cơ sở có phép.

Đoàn kiểm tra liên ngành của H.Thống Nhất kiểm tra, phát hiện một điểm giết mổ không phép trên địa bàn huyện. Ảnh:B.Nguyên
Đoàn kiểm tra liên ngành của H.Thống Nhất kiểm tra, phát hiện một điểm giết mổ không phép trên địa bàn huyện. Ảnh:B.Nguyên

Các lực lượng chức năng thường xuyên ra quân nhưng các cơ sở giết mổ động vật không phép vẫn ngang nhiên hoạt động vì chế tài xử lý còn thiếu và yếu.

* Giết mổ động vật “lậu” vẫn hoành hành

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, năm 2021, toàn tỉnh còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ động vật không phép như: TP.Biên Hòa có 62 cơ sở, H.Trảng Bom có 37 cơ sở, H.Nhơn Trạch có 13 cơ sở, H.Định Quán có 13 cơ sở, H.Tân Phú có 13 cơ sở… Các cơ sở giết mổ lậu khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra sẽ giảm hoặc tạm ngưng hoạt động, khi tình hình yên ắng thì hoạt động trở lại như thường. Tính cả năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, hiện 70-80% bệnh trên người là do động vật lây sang nên việc quy hoạch giết mổ tách khỏi khu dân cư, nhất là kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không phép trong khu dân cư là vì sức khỏe của hàng ngàn, hàng triệu người tiêu dùng.

Ngoài ra, các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại phổ biến trong các chợ tạm. Tình hình kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở chợ Tam Hòa, chợ Sặt (TP.Biên Hòa).

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, các cơ sở giết mổ động vật không phép vẫn tồn tại phổ biến trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tập trung đông ở các khu đô thị lớn. Nhiều cơ sở giết mổ không phép nhưng có quy mô giết mổ lớn vẫn ngang nhiên tồn tại suốt nhiều năm qua như: cơ sở giết mổ trâu, bò ở H.Trảng Bom giết mổ khoảng 20 con trâu, bò/đêm; nhiều cơ sở giết mổ lậu với quy mô hàng chục con heo/đêm tại các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch… Thực trạng hiện nay, các cơ sở giết mổ động vật tập trung bị cạnh tranh bởi các cơ sở giết mổ lậu nên hoạt động kém hiệu quả. Đa số các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động chỉ đạt 40-50% so với công suất thiết kế. Một số cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư với số vốn lớn nhưng phải ngưng hoạt động. Một trong những nguyên nhân chính khiến các cơ sở này hoạt động không hiệu quả là do không cạnh tranh lại các cơ sở giết mổ động vật không phép.

Theo UBND TP.Biên Hòa, năm 2022, thành phố thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra, xử lý giết mổ động vật không phép, phạt hành chính các cơ sở giết mổ động vật lậu gần 1 tỷ đồng. Nhờ đó, trên địa bàn thành phố hiện chỉ còn hơn 40 cơ sở giết mổ lậu, giảm hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ không phép trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại 2 phường Trảng Dài và Long Bình. TP.Biên Hòa đề ra 3 giải pháp để thực hiện việc kiểm soát giết mổ động vật là: tăng cường kiểm tra các lò giết mổ, xử lý heo vận chuyển trên đường và kiểm tra các điểm buôn bán để xử lý tình trạng giết mổ không phép.

* Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe

Nguyên nhân các cơ sở giết mổ động vật không phép vẫn tồn tại hàng chục năm qua là do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. H.Trảng Bom là địa phương có nhiều cơ sở giết mổ động vật tập trung, phân bổ ở hầu hết ở các xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nạn giết mổ không phép hoạt động khá sôi động tại địa phương này, tập trung đông nhất trên địa bàn xã Bình Minh. Theo một số cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn H.Trảng Bom, tuy các cơ sở không phép cam kết không tổ chức giết mổ lậu nữa nhưng họ vẫn thực hiện. Khi cơ quan chức năng kiểm tra gắt, họ chỉ đưa một phần heo vào giết mổ ở cơ sở giết mổ tập trung, còn lại vẫn giết mổ heo tại nhà.

Theo một cán bộ của TP.Biên Hòa, thành phố cũng đã vận động các điểm giết mổ gia súc, gia cầm không phép vào các điểm giết mổ tập trung, nhưng họ không chấp hành. Khó khăn lớn nhất là vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính với mức thấp, thịt khi giết mổ không phép bị tịch thu được xử lý nhiệt rồi trả lại cho cơ sở vi phạm. Lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử phạt vi phạm giết mổ không phép bị lăng mạ, chống đối. Việc thu được nguồn phạt từ những cơ sở vi phạm trên cũng gặp nhiều khó khăn.

Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất Ngô Thanh Tùng so sánh, mức phạt vi phạm hành chính cao nhất cho hành vi giết mổ gia súc, gia cầm không phép chỉ từ 6-8 triệu đồng. Có trường hợp, đoàn kiểm tra lập biên bản 7 lần vi phạm với đầy đủ hồ sơ nhưng không thể truy tố hình sự. Các cơ sở giết mổ không phép lại hết sức manh động, sẵn sàng chống đối đoàn kiểm tra nên công tác kiểm tra, xử lý giết mổ không phép hết sức khó khăn.

Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Khắc Như khẳng định, việc bắt, xử lý giết mổ gia súc, gia cầm không phép gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ khi kiểm tra tại các cơ sở giết mổ lậu mà đội ngũ chở heo lậu cũng rất manh động, sẵn sàng lao xe vượt qua đoàn kiểm tra đang chốt chặn. Ở đây, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc thống kê chính xác số cơ sở cũng như trong xử lý nạn giết mổ không phép.

Bình Nguyên


Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI:

Phối hợp để xử lý triệt để nạn giết mổ động vật không phép

Việc quy hoạch giết mổ động vật tập trung, xử lý giết mổ động vật không phép rất quan trọng trong việc kiểm soát, quản lý về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… Chính phủ cũng thấy công tác quản lý giết mổ động vật còn nhiều bất cập nên đưa ra Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm là cơ sở để địa phương tập trung quản lý giết mổ động vật. Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần phối hợp trong quản lý, xử lý toàn diện từ khâu kiểm soát giết mổ động vật, vận chuyển, tiêu thụ.

Các xã, phường kiểm tra đúng người, đúng lúc. Đội ngũ cán bộ thú y phải thực hiện tốt trách nhiệm về quản lý, công tác thú y. Ngành Công thương ra quân kiểm tra ở các chợ, thịt không qua kiểm dịch không được phép lưu thông trên thị trường. Lực lượng công an điều tra, xử lý nghiêm vi phạm giết mổ động vật đảm bảo sức khỏe người dân, an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh NGUYỄN TẤN LONG:

Xử lý nghiêm vận chuyển, giết mổ động vật trái phép

Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh và chủ công là cảnh sát môi trường đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý giết mổ động vật trái phép, vận chuyển sản phẩm động vật không qua kiểm dịch; xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm về giết mổ động vật trái phép, bị nhiễm bệnh. Công an tỉnh đã khởi tố 1 vụ liên quan đến giết mổ động vật bị nhiễm dịch bệnh tại H.Thống Nhất.

Đồng thời, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền về kiểm soát giết mổ động vật để phòng ngừa dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để kiểm soát hoạt động giết mổ động vật không phép, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an các cấp với các ngành chức năng. Trong đó, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương rất quan trọng.

      Lê Quyên (ghi)


 

 

Tin xem nhiều