Việc sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến và trẻ hóa, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Đa số cho rằng hút thuốc lá điện tử ít có hại đến sức khỏe nhưng thực tế thuốc lá điện tử có chứa chất nicotine gây nghiện…
Việc sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến và trẻ hóa, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Đa số cho rằng hút thuốc lá điện tử ít có hại đến sức khỏe nhưng thực tế thuốc lá điện tử có chứa chất nicotine gây nghiện, thậm chí thời gian qua đã xuất hiện những loại thuốc lá điện tử có trộn các chất gây nghiện như: ma túy, cần sa…
Lực lượng công an và quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Danh |
Điều đáng nói, việc mua bán thuốc lá điện tử rất dễ dàng. Người dùng có thể đặt mua trên mạng xã hội hoặc các cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh. Nếu việc mua bán thuốc lá điện tử không được kiểm soát chặt sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đến sức khỏe với giới trẻ.
* Phát hiện hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc
Thời gian gần đây, lực lượng công an phối hợp với lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đã có hàng ngàn sản phẩm bị lực lượng chức năng thu giữ, xử lý.
Gần nhất, vào trưa 6-4, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa phối hợp cùng Công an P.Thanh Bình kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử Dona Vabe trên đường Hưng Đạo Vương (P.Thanh Bình), phát hiện cơ sở này đang bày bán các sản phẩm gồm: máy thuốc lá điện tử hút một lần và các chai tinh dầu thuốc lá điện tử mang nhãn hiệu của nước ngoài.
Thuốc lá điện tử có chứa chất độc hại nicotine tương tự thuốc lá truyền thống. Theo kết quả khảo sát của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (thuộc Bộ Y tế), số người sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 0,2% năm 2019 đến 3,6% năm 2020 (tăng gấp 18 lần). Điều đáng quan tâm là tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng tăng từ 2,69% năm 2019 lên 3,5 % năm 2022. |
Làm việc với cơ quan công an, ông N.Q.K. (đại diện cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử Dona Vabe) không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 543 sản phẩm (349 máy thuốc lá dùng một lần và 194 chai tinh dầu).
Tương tự, vào ngày 31-3, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Công an P.Thống Nhất
(TP.Biên Hòa) kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử Việt Vape trên đường Võ Thị Sáu, P.Thống Nhất do anh T.G.H. (ngụ TP.HCM) làm chủ cũng đã phát hiện nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các sản phẩm được bày bán tại cơ sở Việt Vape đều mang nhãn hiệu, chữ nước ngoài và không có bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt. Làm việc với lực lượng công an, chủ cơ sở cũng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ liên quan đến số hàng hóa này. Do đó, lực lượng công an đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ 731 sản phẩm thuốc lá điện tử tại cơ sở này để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, ngày 28-3, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) và Công an P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) tiến hành kiểm tra hành chính cở sở kinh doanh Romio Vape Store đóng tại đường Phan Đình Phùng (P.Quang Vinh) và chi nhánh thứ 2 của cơ sở này tại P.Hố Nai, phát hiện hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm tra, lực lượng công an đã tạm giữ 693 sản phẩm máy hút thuốc lá điện tử và lọ tinh dầu dùng để hút thuốc lá điện tử của 2 cơ sở này.
Theo lực lượng chức năng, các sản phẩm thuốc lá điện tử được phát hiện tại các cơ sở này đều là hàng hóa nước ngoài, chưa được phép lưu hành tại thị trường trong nước. Các chủ cơ sở kinh doanh nói trên cho biết, hàng đưa về bán chủ yếu cho thanh, thiếu niên.
* Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử
Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa, thượng tá Ninh Văn Đẳng cho biết, qua nắm bắt thực tế cho thấy tình trạng thanh, thiếu niên, nhất là học sinh trong các trường THCS, THPT và sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một nhiều. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án và chỉ đạo Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp với công an các địa phương tập trung rà soát các điểm mua bán thuốc lá điện tử để kiểm tra, xử lý khi phát hiện sai phạm.
Ngoài ra, để có biện pháp phòng ngừa hiểm họa của thuốc lá điện tử từ sớm, từ xa, Công an TP.Biên Hòa đã tham mưu cho UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh, sinh viên. Công an TP.Biên Hòa cũng sẽ tham gia hỗ trợ báo cáo viên để thực hiện các hoạt động tuyên truyền.
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác quản lý thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã yêu cầu các đội nghiệp vụ chủ động triển khai công tác kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn mình quản lý.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các đội nghiệp vụ tăng cường công tác phối hợp liên ngành để kịp thời phối hợp, xử lý nghiêm đối với các cửa hàng, địa điểm mua bán thuốc lá điện tử; truy xuất nguồn gốc xuất xứ thuốc lá điện tử để làm cơ sở xử lý theo quy định. Qua đó nhằm hạn chế các cửa hàng, điểm bày bán công khai thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh.
Trần Danh
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh HỒ SĨ TIẾN:
Cần có cơ chế kiểm soát thuốc lá điện tử
Đầu năm 2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thực hiện khảo sát công tác quản lý thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có khái niệm về thuốc lá nhưng chưa có quy định, định nghĩa về thuốc lá điện tử. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước về thuốc lá điện tử còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì chưa có cơ chế để kiểm soát dẫn đến trong thuốc lá điện tử chứa chất độc hại nicotine cao gấp nhiều lần so với thuốc lá truyền thống; đặc biệt là nhiều đối tượng còn trộn các chất độc hại, chất gây nghiện vào thuốc lá điện tử và đưa ra thị trường, đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, tổng hợp, có văn bản chuyển đến các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012. Qua đó làm rõ cơ sở pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với thuốc lá điện tử. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất biện pháp, quy định quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng, nhất là đối với học sinh, sinh viên.
UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Các cơ quan chức năng công an, quản lý thị trường phải tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ĐẶNG HÀ HỮU PHƯỚC:
Nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng khi hút thuốc lá điện tử
Qua các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây nguy cơ cao hơn về bệnh phổi, với tỷ lệ mắc bệnh tăng 1,5 lần so với người không hút thuốc; nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng tăng 56% ở những người sử dụng thuốc lá điện tử so với người không sử dụng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ cao gấp 3,5 lần nghiện nicotine so với những người không sử dụng. Tinh dầu trong thuốc lá điện tử chứa các chất hóa học như Diacetyl, một loại hóa chất rất nguy hiểm gây ra nhiều loại bệnh hô hấp ở người như: viêm phế quản tắc nghẽn, một chứng suy thoái chức năng không thể phục hồi. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc lá điện tử vì nó có thể gây nguy cơ cao hơn gấp 1,7 lần về sinh non và gấp 1,6 lần về cân nặng thấp khi sinh so với phụ nữ không hút thuốc.
Thành Vinh (ghi)