Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như nhiều năm trước, Đồng Nai là "ngôi sao sáng" trong phát triển thì nay cả nước đang có những "ngôi sao sáng" khác, khiến vị thế của tỉnh bị thách thức.
Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như nhiều năm trước, Đồng Nai là “ngôi sao sáng” trong phát triển thì nay cả nước đang có những “ngôi sao sáng” khác, khiến vị thế của tỉnh bị thách thức.
TS Mai Chiếm Hiếu. Ảnh: NVCC |
Trước những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, TS MAI CHIẾM HIẾU, Phó trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực 2 cho rằng, Đồng Nai cần đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước
* Thưa TS Mai Chiếm Hiếu, ông nhận xét như thế nào về mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Đồng Nai?
- Tốc độ tăng trưởng GRDP của Đồng Nai trong giai đoạn 2011-2021 so với cả nước tăng cao hơn, trung bình tăng 8,95%/năm (cả nước giai đoạn này tăng 5,51%). Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng hiện đại, phát triển mạnh ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, do đó tỉ trọng các ngành này chiếm 91,7% trong GRDP. Dù phát triển mạnh ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ nhưng tỉnh vẫn chú trọng nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Năng suất lao động ở Đồng Nai cao hơn so với trung bình cả nước. Giai đoạn 2011-2019, năng suất lao động của tỉnh được cải thiện khá tích cực, giá trị tuyệt đối tăng từ 143,6 triệu đồng lên 198 triệu đồng/năm.
Theo TS MAI CHIẾM HIẾU, Đồng Nai đang thực hiện 2 dự án lớn của quốc gia là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Đường cao tốc Bắc - Nam. Tỉnh cần phát huy lợi thế này để góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, vùng và khu vực. |
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định có vai trò chủ đạo trong phát triển công nghiệp của Đồng Nai. Lĩnh vực này thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trở thành một trong 5 ngành nghề quan trọng nhất trong phát triển kinh tế.
Nếu như năm 2015, Đồng Nai mới có hơn 420 DN thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã thu hút được hơn 190 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký trên 1,6 tỷ USD. Hiện số DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai là trên 660 DN, tập trung các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo...
Thêm vào đó, với nhiều lợi thế về giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thủy…, nguồn vốn FDI vào Đồng Nai ngày càng tăng, đây là nguồn lực quan trọng có vai trò chuyển giao công nghệ hiện đại vào tỉnh, từ đó tác động lan tỏa đến các DN khác.
Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đang tích cực thực hiện chuyển đổi số...
* Bên cạnh những kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế ở Đồng Nai những năm qua, theo ông, tỉnh đang phải đối mặt với những thách thức gì?
- Theo tôi, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai đang có xu hướng chững lại và giảm xuống. Năm 2020-2021, khi thế giới chao đảo vì đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia, GRDP của Đồng Nai đã giảm từ 8-9%/năm của những năm trước, xuống còn 4,44% vào năm 2020 và 2,15% năm 2021 - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Sau dịch bệnh - từ năm 2022 đến nay, các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường nhưng hết quý I-2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh cũng chỉ đạt 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 8-8,5%.
Đồng Nai đang được xem như một đại công trường các dự án giao thông trọng điểm của đất nước Trong ảnh: Công nhân làm hàng rào hộ lan trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Đoàn Ngọc Ân |
Về năng suất lao động ở Đồng Nai, tuy cao hơn cả nước nhưng so với vùng Đông Nam bộ ở giai đoạn 2011-2019 thì thấp hơn trong vùng. Như vậy có thể thấy, những yếu tố đóng vai trò là động lực trong tăng năng suất lao động như trình độ khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa phải là nguồn lực chính trong quá trình sản xuất của tỉnh.
Mặt khác, Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp đầu tàu cả nước và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng nhiều năm trở lại đây, chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cấp tỉnh như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính và hiệu quả quản trị chưa tương xứng với vị trí của tỉnh. Vào năm 2006, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát và công bố chỉ số PCI, Đồng Nai từng lọt vào tốp 6/63 tỉnh, thành phố cả nước; nhưng sau đó liên tục giảm, từ vị trí thứ 6 năm 2006, xuống thứ 26 năm 2010.
Đến năm 2011-2012, Đồng Nai trở lại tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao khi ở vị trí thứ 9, song vị trí này không thể duy trì được lâu, có thời điểm chỉ đứng ở thứ 42 (năm 2016) và nay đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố.
Đổi mới để “cất cánh”
* Từ những phân tích trên, theo ông, Đồng Nai cần làm gì để “cất cánh”?
- Theo tôi, từ nay đến năm 2030, Đồng Nai cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm là: hạ tầng phát triển, thể chế và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, về hạ tầng phát triển, Đồng Nai đang được xem như một đại công trường các dự án giao thông trọng điểm của đất nước. Để thực hiện các dự án giao thông, Đồng Nai cần huy động các nguồn lực tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông nội đô và giao thông kết nối vùng nông thôn. Bên cạnh đó, phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông nhằm nâng cao năng lực chia sẻ và hấp thụ công nghệ.
Cụ thể như, về hạ tầng giao thông phải giải tỏa các “nút thắt”, làm các đường “xương sống” dọc liên huyện, xã và các đường “xương cá” nội đô, liên thôn.
Tỉnh cũng nên quan tâm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như: các nhà máy điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời… nhằm thúc đẩy phát triển DN “xanh”; các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông; hoàn thiện cơ sở dữ liệu số hóa về dân cư, nhân khẩu học; cơ cấu kinh tế; đất đai, tài nguyên; du lịch; các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương...
Về thể chế, cần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp; tập trung ưu tiên các DN trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. Đồng thời, dịch chuyển nhanh từ chính quyền điều hành sang chính quyền kiến tạo, phục vụ; từ “quản” đến “mở”, sang “quản” song hành với “mở” nhằm kích hoạt làn sóng start-up.
Về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư nguồn lực phát triển các trung tâm nghiên cứu và đào tạo tại địa phương nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, nhân lực quản trị, đặc biệt trong lĩnh vực số hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực DN và các trường đại học công nghệ, tăng cường kết nối cộng đồng khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với tỉnh Đồng Nai nhằm tập trung phát triển một số ngành chọn lọc, ưu tiên công nghệ số và an ninh mạng.
Những ngành nghề Đồng Nai cần tập trung đào tạo là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; vận hành, sửa chữa thiết bị số; cơ khí chính xác; du lịch trải nghiệm sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch thông minh...
Nội dung đào tạo: cập nhật thường xuyên các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số. Phương thức đào tạo: mở rộng đào tạo trực tuyến trên nền tảng số, giúp người học có thể tiếp cận kiến thức, kỹ năng mọi lúc, mọi nơi.
* Vừa đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, theo ông, Đồng Nai cần làm gì để thu hút nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh?
- Đồng Nai cần tạo cơ chế đột phá về tài chính và môi trường làm việc để thu hút được đội ngũ chuyên gia khoa học công nghệ và nhân lực quản trị số, đặc biệt là các chuyên gia người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Tỉnh nên nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên biệt nhằm đảm nhiệm quá trình thu hút, đánh giá, sử dụng hiệu quả lực lượng này...
Với những chia sẻ của mình, tôi hy vọng từ nay đến năm 2045 là giai đoạn Đồng Nai “cất cánh”, tương xứng với vị thế trong “tứ giác kinh tế” năng động nhất cả nước. Muốn vậy, Đồng Nai cần đi theo tọa độ đột phá là: thể chế - hạ tầng - nhân lực kinh tế số, với cấu trúc ngành phát triển chủ đạo là công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp công nghệ cao - kinh tế số - logistics - nông nghiệp xanh trên nền công nghệ cao.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Hằng (thực hiện)