Hôm nay 27-6, trên 33,2 ngàn học sinh của Đồng Nai sẽ cùng với hơn 1 triệu thí sinh cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đây là kỳ thi được cả xã hội dành sự quan tâm đặc biệt.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ |
Hôm nay 27-6, trên 33,2 ngàn học sinh của Đồng Nai sẽ cùng với hơn 1 triệu thí sinh cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đây là kỳ thi được cả xã hội dành sự quan tâm đặc biệt.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh đã trao đổi với Báo Đồng Nai về công tác chuẩn bị sẵn sàng cho thí sinh bước vào kỳ thi.
Kỳ vọng vào một kỳ thi thành công
* Ngành GD-ĐT Đồng Nai đặt ra những kỳ vọng gì trong quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thưa bà?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT được Sở GĐ-ĐT tổ chức hàng năm đều có những kỳ vọng rất lớn. Những kỳ vọng này có lẽ không chỉ là của ngành, mà còn là kỳ vọng của học sinh sau 12 năm đèn sách, của hàng chục ngàn phụ huynh đang dõi theo từng nỗ lực của con em mình.
Đối với ngành GD-ĐT, kết quả của kỳ thi sẽ là những thông số để đánh giá lại quá trình dạy và học, từ đó có điều chỉnh phù hợp.
Còn với học sinh, các em chắc chắn mong đạt được điểm cao ở tất cả các môn thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học. Khi điểm số đạt cao, cơ hội xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học càng thuận lợi.
* Năm 2023, Đồng Nai có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng đáng kể, Sở GD-ĐT có gặp phải áp lực lớn nào không?
- Đồng Nai có trên 33,2 ngàn thí sinh dự thi, đứng thứ 5 cả nước, sau Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa và Nghệ An. Số lượng thí sinh Đồng Nai năm nay tăng trên 2 ngàn em.
Khi nói đến công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT là nói đến áp lực. Chỉ một sơ suất nào đó đều có thể ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình tổ chức thi ở một điểm, thậm chí toàn tỉnh và cả nước. Lý do là vì kỳ thi được Bộ GD-ĐT tổ chức trên cả nước, chung đợt, chung đề. Khi Đồng Nai làm tốt thì sẽ góp phần cùng cả nước làm tốt kỳ thi này.
* Năm nay, sự chuẩn bị cho kỳ thi có gì mới, thưa bà?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được Bộ GD-ĐT cơ bản giữ nguyên quy chế thi để đảm bảo tính ổn định, tạo thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT đã có những cách làm mới để nâng cao chất lượng toàn diện của kỳ thi.
Cụ thể, không đợi tới cuối năm học mà trước khi bước vào năm học, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị với hiệu trưởng, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp, cao đẳng nghề có hệ giáo dục thường xuyên để bàn giải pháp nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Chất lượng ở đây là tiếp tục nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT, quan trọng hơn là nâng cao điểm số các môn thi của thí sinh.
“Chúng tôi hiểu được những áp lực của thí sinh trước kỳ thi quan trọng đặc biệt này và chia sẻ với các em những áp lực đó. Các em cần giữ sức khỏe, tập trung tối đa kiến thức để làm tốt từng bài thi. Chúng tôi rất mong các em sẽ thực hiện đúng quy chế kỷ luật phòng thi. Bất cứ hành vi gian lận hay không chấp hành quy chế thi của thí sinh sẽ ảnh hưởng chung đến công tác thi. Chúng tôi mong phụ huynh tiếp tục đồng hành cùng với thí sinh và ngành GD-ĐT để tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023” - Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ nhấn mạnh. |
Bước vào năm học 2022-2023, ngành Giáo dục đã yêu cầu các trường THPT dừng dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Thay vào đó, tổ chức dạy tăng cường 2-3 buổi/tuần; đồng thời, triển khai sớm việc định hướng chọn môn thi cho thí sinh.
Theo đó, ngoài 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các trường phân học sinh theo 2 nhóm, có em sẽ chọn theo tổ hợp Khoa học tự nhiên, có em sẽ chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Từ sự định hướng này, các trường dễ dàng ôn tập cho học sinh theo hướng chuyên sâu hơn.
Các trường đánh giá năng lực học tập của học sinh, những em trung bình yếu thì được tập trung hỗ trợ ôn tập củng cố kiến thức, làm sao cho chất lượng học tập của học sinh trong mỗi lớp và trong toàn trường cơ bản đồng đều.
Trước khi kỳ thi diễn ra 2 tháng, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo từ sớm đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bằng việc lập Ban Chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng làm trưởng ban. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với những yêu cầu cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng thành viên, từng sở, ngành, địa phương. Đến thời điểm hiện tại, các phần việc chuẩn bị cho kỳ thi đều theo đúng chỉ đạo và kế hoạch của tỉnh.
Coi trọng yếu tố an toàn
* Một trong những yêu cầu hàng đầu là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ thi, trong đó có tính bảo mật của đề thi. Vậy đến thời điểm này, Sở đã chỉ đạo thế nào với các điểm thi, thưa bà?
- Các phần việc để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT thì có rất nhiều, trong đó việc: in sao đề thi, bảo quản đề thi, bảo vệ bí mật đề thi và công tác chấm thi là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Những phần việc này đang được triển khai rất thận trọng với sự hỗ trợ của Công an tỉnh.
Địa điểm in sao đề thi đã được Sở GD-ĐT và Công an tỉnh lựa chọn với những tiêu chí khắt khe về an toàn bí mật. Công an tỉnh đã hỗ trợ người và phương tiện kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn theo đúng quy trình nghiêm ngặt của Bộ GD-ĐT. Những người làm nhiệm vụ in sao, vận chuyển đề thi và chấm thi đều được lựa chọn kỹ lưỡng về mặt chuyên môn, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa |
* Địa điểm tổ chức thi khá nhiều và nằm ở khắp các huyện, thành phố. Vậy làm sao để công tác tổ chức thí ở các địa điểm này an toàn tuyệt đối?
- Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng 59 điểm thi chính thức trong tỉnh, ngoài ra mỗi địa phương còn có 1 điểm thi dự phòng với điều kiện sẵn sàng tổ chức như các điểm thi chính. Các điểm thi có điểm chung là bố trí ngay tại địa phương, tạo thuận tiện cho thí sinh đi lại dự thi. Điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo rộng rãi, thoáng mát, có đủ ánh sáng và quạt gió, thậm chí là máy lạnh để thí sinh dự thi được thoải mái.
Đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, chúng tôi đều tính toán và có phương án đảm bảo. Nếu điểm thi sát nhà dân thì các phòng thi được tổ chức từ lầu 1 trở lên. Các thiết bị có kết nối internet, tín hiệu thu phát sóng bắt buộc phải vô hiệu hóa và niêm phong cho tới khi tổ chức xong kỳ thi.
Bên cạnh đó, các điểm thi đều có nhiều vòng bảo vệ bởi cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh từ phòng bảo quản đề thi, bài thi, trong phòng làm việc chung của điểm thi, ngoài cổng trường thi…
* Để phục vụ cho kỳ thi, Sở GD-ĐT đã huy động tới 6 ngàn người làm nhiệm vụ. Bà có thể cho biết, tiêu chí để lựa chọn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này ra sao?
- Phần lớn những người được triệu tập tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi năm nay đều có kinh nghiệm từng tham gia làm nhiệm vụ tại các kỳ thi trước đây. Với những người lần đầu làm nhiệm vụ thì quá trình sắp xếp thực hiện nhiệm vụ sẽ có những người đã từng có kinh nghiệm đồng hành.
Quy trình tổ chức thi có nhiều nhiệm vụ, nhiều bước nên tất nhiên cán bộ, giáo viên phải được tập huấn nhiều lần và cho từng nhiệm vụ cụ thể được giao.
Chúng tôi đã quán triệt rất rõ, cán bộ, giáo viên được phân công nhiệm vụ phải thuộc bài và đúng vai. Nghĩa là phải nắm vững quy chế coi thi, làm đúng phần việc mình được giao.
* Xin cảm ơn bà!
Công Nghĩa (thực hiện)