Báo Đồng Nai điện tử
En

Xúc tiến thương mại là "bệ đỡ" cho doanh nghiệp phục hồi

07:06, 26/06/2023

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp (DN) đều gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Vì thế, xúc tiến thương mại được xem là giải pháp, bệ đỡ giúp DN phục hồi, mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu, vượt qua giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp (DN) đều gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Vì thế, xúc tiến thương mại được xem là giải pháp, bệ đỡ giúp DN phục hồi, mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu, vượt qua giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng.

Gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023
Gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023. Ảnh: HẢI HÀ

UBND tỉnh đã ban hành chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh năm 2023. Đồng Nai dự kiến sẽ triển khai các hoạt động: hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hội chợ, triển lãm và giao thương tại nước ngoài. Song song đó, còn có các hoạt động kết nối giao thương, hội nghị, hội thảo trong nước; tập huấn, đào tạo nghiệp vụ…     

Tăng cường các chương trình xúc tiến xuất khẩu

Gần đây, nhiều hoạt động kết nối giao thương trực tiếp, trực tuyến đã được tỉnh triển khai trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng, gián đoạn vì đại dịch Covid-19.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) Nguyễn Thị Lan chia sẻ, bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ các DN, HTX, chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước; trong năm 2023, một trong những chủ điểm của chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh là đẩy mạnh các hoạt động kết nối với thị trường nước ngoài nhằm tăng doanh thu xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, cũng như tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, kinh tế suy giảm.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, sẽ có nhiều đoàn xúc tiến thương mại hỗ trợ các DN địa phương kết nối, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại tại các thị trường Ấn Độ, Campuchia, Dubai (UAE)…

Các gian hàng giới thiệu sản phẩm của Đồng Nai tại hội chợ Công thương Đồng Nai năm 2023
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm của Đồng Nai tại hội chợ Công thương Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Hải Hà

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi đơn hàng giảm 30-60% cả trong ngắn hạn và dài hạn so với đầu năm 2022. Bên cạnh đó, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp đòi hỏi các DN cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đa dạng hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng chuyển đổi lớn trên thế giới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ…

Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, địa phương, các ngành chức năng và bản thân các DN phải có kế hoạch tập huấn các tiêu chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường. Bởi trên thực tế, hiện nay nhiều thị trường yêu cầu cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu. Đơn cử, thị trường châu Âu ngày càng đòi hỏi cao đối với các sản phẩm nhập khẩu. Các dòng sản phẩm sản xuất xanh, bền vững sẽ được lựa chọn nhiều hơn.

Đổi mới phương án tiếp cận thị trường

Theo các chuyên gia, hiện nay, dù các sở, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này còn gặp một số vướng mắc. Nhiều DN chưa chủ động đối với hoạt động này, các chương trình chủ yếu là các “gương mặt thân quen” tham dự.

Đồ họa thể hiện kết quả khảo sát ý kiến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về các đề xuất thực hiện chương trình xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Đồng Nai theo khảo sát của Ban chỉ đạo 264 tỉnh năm 2022
Đồ họa thể hiện kết quả khảo sát ý kiến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về các đề xuất thực hiện chương trình xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Đồng Nai theo khảo sát của Ban chỉ đạo 264 tỉnh năm 2022

Do đó, để phát huy hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại đòi hỏi cách tiếp cận thị trường phù hợp, đổi mới các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho DN. Đồng thời, bản thân các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP của địa phương cần chủ động trong việc tham gia các chương trình kết nối giao thương, tạo được điểm nhấn, thu hút khách hàng, đối tác, hạn chế tham gia kiểu “ăn xổi” chủ yếu với mục đích bán hàng, ít đầu tư về khâu quảng bá, tìm kiếm bạn hàng lâu dài hay khâu nghiên cứu thị trường…

Phụ trách bộ phận bán hàng truyền thống của Công ty CP Chăn nuôi bò và chế biến sữa Đồng Nai (Domilk) Lê Hữu Nghĩa cho biết, thông qua các hoạt động kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm công ty mong muốn phát triển thêm cách kênh tiêu thụ cũng như tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động kết nối, trao đổi thông tin, liên hệ với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Đại diện Cơ sở sản xuất rượu vang thanh long Anna (H.Thống Nhất) Ngô Thanh Long chia sẻ, từ đầu năm đến nay cơ sở đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm lớn trên cả nước, trong đó phải kể đến Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023. Trong quá trình tham gia các chương trình này, bên cạnh việc tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại gian hàng chung của tỉnh, cơ sở còn chủ động tham gia các hội nghị kết nối với các nhà cung ứng lớn, thu thập được nhiều thông tin về các thị trường tiềm năng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm…

Bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất địa phương gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và nhân sự cho hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Do đó, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cần có thêm các hoạt động hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất của địa phương tham gia tìm kiếm đối tác, khách hàng, nhất là ở các thị trường ngách.

Tương tự, bà Bùi Thị Thủy, chủ thương hiệu Lá Farm (H.Vĩnh Cửu) cho hay, với thế mạnh là chuỗi các sản phẩm được chế biến từ bưởi, xà phòng, tinh dầu, Lá Farm hiện đang tập trung vào các thị trường ngách ở các thành phố, đô thị lớn. Lá Farm mong muốn địa phương tiếp tục hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất tham gia nhiều hội chợ về kết nối cung cầu, qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các khách hàng tiềm năng… 

Phó giám đốc Sở NN-PTNT NGUYỄN VĂN THẮNG:

Tăng cường kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có điều kiện tốt để giúp các chủ thể OCOP phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm, tạo ra được sự so sánh, giá trị cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng nhưng chưa đạt OCOP. Qua đó, hướng tới tìm kiếm những thị trường tiêu thụ bền vững, đưa sản phẩm vào kênh phân phối, chuỗi bán lẻ hiện đại và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan quan tâm kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP với các siêu thị, nhà phân phối lớn, các khu, điểm du lịch trên địa bàn…

Đại diện thương hiệu Vị Vương Foods (H.Nhơn Trạch) ĐÀO NGUYÊN:

Cơ hội quảng bá cho các thương hiệu, sản phẩm mới

Là một thương hiệu thực phẩm còn mới mẻ trên thị trường, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, chúng tôi luôn chủ động đa dạng các sản phẩm như khô bò giòn, khô bò dai và mới đây có thêm dòng sản phẩm khô bò vị chẩm chéo. Bên cạnh đó, cơ sở còn tích cực tiếp cận các kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

Trên thực tế, việc tham gia các hội chợ, triển lãm về xúc tiến thương mại, diễn đàn xuất khẩu… mang lại cho những thương hiệu mới như chúng tôi nhiều cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời là nơi để gặp gỡ, trao đổi, gửi sản phẩm mẫu đến các nhà phân phối, DN về thực phẩm lớn trên thị trường, qua đó giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, tích lũy kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót để chất lượng sản phẩm được nâng cao.

Hoàng Hải (ghi)

Hải Quân

Tin xem nhiều