Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong trường học

09:07, 04/07/2023

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022-2023 trở đi. Việc triển khai đề án hiệu quả sẽ thúc đẩy chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông...

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022-2023 trở đi. Việc triển khai đề án hiệu quả sẽ thúc đẩy chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông, nhất là trong giai đoạn tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Học sinh Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) hào hứng học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại trường. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) hào hứng học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại trường. Ảnh: Công Nghĩa

Với đề án đã được thông qua, từ năm học sắp tới, học sinh các trường có thể được học tăng cường môn Tiếng Anh từ 2-3 tiết/tuần với giáo viên người nước ngoài, hoặc giáo viên người Việt Nam.

* Cần mô hình để nhân rộng

Từ 5 năm trước, Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã triển khai dạy tăng cường tiếng Anh cho học sinh ở tất cả các khối lớp. Hiệu trưởng Mai Kim Lan chia sẻ, khi Ban giám hiệu có chủ trương dạy học tăng cường tiếng Anh, nhiều giáo viên phản ứng khá gay gắt. Giáo viên môn Tiếng Anh lo sợ có giáo viên người nước ngoài vào dạy thì mình bị “lép vế”, còn giáo viên các môn khác thì sợ học sinh bị “chiếm” thời gian, ảnh hưởng đến môn mình dạy.

Tuy nhiên, sau khi đả thông tư tưởng và quá trình thực hiện mang lại hiệu quả, giáo viên ai nấy đều ủng hộ và khuyến khích học sinh học tiếng Anh. Việc có giáo viên người nước ngoài vào dạy đã tạo một làn gió mới khi giáo viên người nước ngoài có những ưu thế về phương pháp dạy khiến học sinh thích thú. Còn với phụ huynh, ban đầu khi phải đóng góp thêm một khoản tiền, nhiều người cũng băn khoăn, nhưng sau thấy con mình thực sự tiến bộ, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh nên băn khoăn đã được giải tỏa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Tiếng Anh là ngôn ngữ không thể thiếu để học sinh hội nhập

Đồng Nai đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, nhất là sắp tới tỉnh có cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đến Đồng Nai đầu tư. Do đó, muốn tận dụng cơ hội cho sự phát triển thì phải đầu tư cho việc học tiếng Anh.

Tại Trường THCS Long Bình có 1.300/1.600 học sinh được phụ huynh tự nguyện cho con học tiếng Anh tăng cường với chi phí 350 ngàn đồng/tháng. Với số học phí này, mỗi tuần học sinh được học 2 tiết môn Tiếng Anh với người nước ngoài. Trung bình một tháng, các em được học 8 buổi. Hiệu quả việc học tăng cường tiếng Anh đã được chứng minh khi học sinh nắm chắc kỹ năng tiếng Anh, tự tin giao tiếp và thi tuyển sinh vào lớp 10 điểm thi khá cao.

Đến nay, có khá nhiều trường tại TP.Biên Hòa, H.Long Thành đã triển khai cho học sinh tăng cường học môn Tiếng Anh bên cạnh những buổi học chính khóa do giáo viên người Việt Nam dạy. Có trường thực hiện thí điểm ở một số lớp, có trường đã triển khai diện rộng, tùy vào sự tự nguyện của phụ huynh. Thậm chí, một số trường mầm non, sau khi được phụ huynh đồng thuận đã hợp đồng với một số trung tâm ngoại ngữ uy tín đưa giáo viên người nước ngoài đến, qua đó tạo cơ hội cho trẻ được tiếp cận sớm với tiếng Anh.

Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) là một trong những trường sớm triển khai dạy tiếng Anh tăng cường. Khác với các buổi học chính khóa, các buổi học tăng cường được dạy vào buổi chiều, mỗi lớp không quá 25 học sinh. Học sinh được học với người nước ngoài với kỹ năng quan trọng là nghe và nói. So với học ở trung tâm ngoại ngữ, học sinh chỉ phải đóng số tiền bằng một nửa, nhưng về hình thức học và chất lượng không thua kém.

* Phải vượt rào cản

Vấn đề tăng cường cho học sinh học tiếng Anh đã được một số trường phổ thông mạnh dạn thực hiện trong thời gian qua, thay vì đợi có đề án riêng của tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các trường đang lúng túng về giải pháp triển khai trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là kinh phí đóng góp vì việc tăng cường dạy tiếng Anh dựa vào nguồn đóng góp của phụ huynh.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện toàn bộ các trường phổ thông của tỉnh đã triển khai dạy môn Tiếng Anh. Đối với bậc tiểu học, có 100% học sinh lớp 3 được học đủ 4 tiết/tuần, lớp 4 có 54% học sinh được học 4 tiết/tuần, còn ở lớp 5 là 55% học sinh được học 4 tiết/tuần.

Trong khi ở bậc THCS, đối với lớp 6, 7, 8 có 100% học sinh được học tiếng Anh 3 tiết/tuần. Nhưng đối với lớp 9 thì tỷ lệ thấp hơn. Cụ thể, số học sinh lớp 9 được học môn Tiếng Anh 2 tiết/tuần chiếm 85,5%, số học sinh được học 3 tiết/tuần là 14,5%. Hiện chỉ có học sinh lớp 10, 11, 12 bậc THPT là được học đủ 3 tiết/tuần.

Mục tiêu của Đồng Nai khi tăng cường dạy ngoại ngữ:

- Góp phần nâng cao chất lượng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và chương trình hiện hành.

- Tạo môi trường giao lưu, trao đổi, học hỏi cho học sinh thông qua tăng cường kỹ năng nghe và nói.

- Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 60 trường phổ thông triển khai liên kết dạy kỹ năng nghe, nói với giáo viên người nước ngoài bằng nhiều hình thức học.

Toàn tỉnh hiện có 2.075 giáo viên môn tiếng Anh, nhưng không phải tất cả giáo viên đều đạt chuẩn trình độ. Cụ thể, ở bậc tiểu học có 492/675 giáo viên đạt chuẩn (tỷ lệ 72,9%), bậc THCS có 712/854 giáo viên đạt chuẩn (tỷ lệ 83,4%), bậc THPT có 473/545 giáo viên đạt chuẩn (tỷ lệ 86,8%).

Trong khi các trường tư thục tự chủ kinh phí khá dễ dàng hợp đồng với giáo viên người nước ngoài thì phần lớn các trường công lập rất khó khăn, do không đủ kinh phí. Đây chính là thiệt thòi cho học sinh, kéo theo chênh lệch về kỹ năng của học sinh, nhất là học sinh các trường vùng sâu, vùng xa.

Tại cuộc họp về xây dựng Đề án tăng cường dạy tiếng Anh mới đây, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng, nhiều học sinh, thậm chí cả phụ huynh, mới chỉ dừng lại ở suy nghĩ học tiếng Anh để đi thi. Ngay cả đề thi tốt nghiệp THPT cũng không có phần thi kỹ năng nghe và nói nên phần lớn học sinh sau nhiều năm học liên tục vẫn không đủ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Tỷ lệ học sinh đạt bậc 2 trở lên về kỹ năng nghe, nói tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ bậc 6 dành cho người Việt Nam và quốc tế còn thấp.

Với đề án tăng cường dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông được thực hiện, từ năm học 2023-2024, các trường sẽ được chủ động hợp đồng giáo viên người nước ngoài và người Việt Nam để tăng cường thêm số tiết học/tuần cho học sinh. Hình thức học được phép cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Nội dung học bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT hoặc được Sở GD-ĐT phê duyệt. Chương trình tăng cường sẽ ưu tiên cho kỹ năng nghe và nói theo các chủ đề, chủ điểm. Kinh phí tham gia học tiếng Anh tăng cường từ nguồn xã hội hóa, do phụ huynh tự nguyện đóng góp và có sự thỏa thuận rõ ràng.

Công Nghĩa


Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Phụ huynh chủ động cho con nâng cao 4 kỹ năng học tiếng Anh

Học sinh muốn có đầy đủ 4 kỹ năng tiếng Anh là: nghe, nói, đọc và viết, cần được đầu tư đầy đủ về thời gian học tập. Thế nhưng, việc bố trí đủ số tiết học môn Tiếng Anh trong tuần là một điều khó khăn, vì còn nhiều môn học khác.

Muốn có thêm thời gian thì phải học tăng cường ở các buổi còn lại, hoặc phụ huynh có thể tự chọn con em mình đi học tăng cường ở các trung tâm ngoại ngữ.

Chị TRẦN THỊ MỸ LINH (ngụ xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom):

Mong con được làm quen sớm với tiếng Anh

Tôi rất mong con được làm quen sớm với tiếng Anh để có thể xây dựng cho con nền tầng ngôn ngữ quan trọng của cuộc sống. Nếu được học ngay trong nhà trường với chi phí hợp lý và chất lượng thì tôi hoàn toàn ủng hộ.

Đặng Công (ghi)


 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích