Báo Đồng Nai điện tử
En

Lựa chọn và thực hiện phản biện xã hội nhiều dự án luật quan trọng

Hồ Thảo
12:27, 06/09/2023

(ĐN) - Tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV diễn ra sáng 6-9, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã có phần tham luận quan trọng về công tác triển khai thực hiện trách nhiệm của MTTQ Việt Nam theo quy định tại Điều 6 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tại các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho hay, triển khai nhiệm vụ được giao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 386/KH-MTTW-UB về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ động và sớm triển khai các nhiệm vụ đặt ra tại kế hoạch, tập trung vào một số việc như: chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật; phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật. 

Phó chủ tịch Ủy ban ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày tham luận tại hội nghị (Ảnh: Quochoi.vn)
Phó chủ tịch Ủy ban ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày tham luận tại hội nghị (Ảnh: Quochoi.vn)

Về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 tại 4 tỉnh; tổ chức hội nghị tổng kết trực tuyến đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng đề án nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án luật; dự kiến hoàn thiện các sản phầm của đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 11-2023…

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết thêm, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã lựa chọn và thực hiện phản biện xã hội đối với nhiều dự án luật quan trọng như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật nhà ở (sửa đổi)…

Đối với dự án Luật Đất đai, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện 2 lần trước khi Quốc hội cho ý kiến. Các hội nghị phản biện đã huy động sự tham gia tích cực của đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức phản biện xã hội đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)… 

Tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của MTTQ Việt Nam

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất, cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực, chủ động phối hợp với Ban thường trực MTTQ Việt Nam để tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ với cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó cần bảo đảm sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện trong các công đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền dự án, dự thảo văn bản. Việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội phải được xác định là nhiệm vụ bắt buộc; văn bản phản biện cần được thể hiện rõ trong hồ sơ trình dự án, dự thảo văn bản. 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở (Ảnh: Hồ Thảo)

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định sẽ tập trung thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được giao tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; trong đó tập trung vào việc tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, HĐND. Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn để đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân; Luật Điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo; Luật MTTQ Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật quan trọng đã có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận để theo dõi, đề xuất kịp thời việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo các ý kiến phản biện; tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản. Về lâu dài, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân, nghiên cứu để tiến tới xây dựng luật, pháp lệnh về hoạt động giám sát của nhân dân...

Hồ Thảo

Tin xem nhiều