(ĐN)- Những ngày gần đây, các bệnh viện trong tỉnh tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, kể cả người lớn và trẻ nhỏ.
Bác sĩ khám mắt cho một bệnh nhân bị đau mắt đỏ tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai |
Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai từ tháng 8 đến nay tiếp nhận từ 30-60 bệnh nhi bị đau mắt đỏ/ngày, thậm chí có ngày lên trên 100 ca.
Còn Khoa Mắt, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 ca bệnh đau mắt đỏ ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến người cao tuổi.
ThS-BS Phạm Ngọc Hạnh, Khoa Mắt, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên với triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, cộm ngứa, chảy nước mắt, sưng mí, ghèn vàng hoặc xanh dính 2 mí.
Đau mắt đỏ tuy là bệnh ít để lại di chứng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây viêm loét giác mạc dẫn tới giảm thị lực gây mù lòa.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại sau khỏi bệnh. Đặc biệt, trong thời gian ngắn, đau mắt đỏ có khả năng bùng phát thành ổ dịch bởi rất dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc (qua ghèn từ mắt, qua giọt bắn đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi). Bệnh rất dễ lây lan ở nơi đông người như trường học, công ty.
Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi tiếp xúc. Tùy thuộc vào sức đề kháng của từng người bệnh có thể hết từ 5 ngày đến 2 tuần.
Hình ảnh bệnh nhi bị đau mắt đỏ |
Từ tháng 8 đến nay, bệnh đau mắt đỏ ngày càng tăng và gây dịch trong trường học, nơi làm việc do khí hậu nắng nóng nhưng dễ mưa đột ngột, độ ẩm trong không khí cao. Thời tiết nhạy cảm khiến hệ thống miễn dịch hoạt động kém. Tạo tiền đề thuận lợi cho các virus và vi khuẩn xâm nhập.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không đưa tay lên dụi mắt; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
Không dùng chung vật dụng cá nhân (như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…) với người bệnh. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Khi người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng nặng.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin