(ĐN)- Đó là một trong những số liệu đáng báo động được đưa ra tại hội nghị “Nâng cao năng lực công tác bảo vệ sức khoẻ tâm thần (SKTT) cho cộng đồng” khu vực phía Nam năm 2023.
Quang cảnh hội nghị Nâng cao năng lực công tác bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho cộng đồng khu vực phía Nam năm 2023. (ảnh: H.Yến) |
Hội nghị diễn ra sáng 6-10 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 với sự tham dự của 33 bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phía Nam. Đây là sự kiện nhằm kỷ niệm Ngày Sức khoẻ tâm thần thế giới 10-10.
Tỷ lệ người cần chăm sóc SKTT đang ngày một tăng nhanh và có xu hướng trẻ hoá. Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số. Ở trẻ em, khoảng 12% (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) có nhu cầu về các dịch vụ SKTT.
Có khoảng 20% người dân trên thế giới cần chăm sóc SKTT. Sau đại dịch Covid-19, con số này đang ngày một tăng nhanh. Tại Việt Nam, riêng năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trên toàn quốc, bệnh trầm cảm tăng 28% và lo âu tăng 26%.
Vấn đề nhận biết, phát hiện sớm, xử trí kịp thời các rối loạn tâm thần và sự phối hợp giữa các tuyến trong mạng lưới chăm sóc SKTT tại Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề đặt ra. Cả nước có khoảng 1 ngàn bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, nhiều người bị rối loạn tâm thần không tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề về tâm thần.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin