(ĐN) - Liên quan việc cá chết bất thường hàng loạt ở khu vực suối Bí (ấp 9/4, xã Hưng Lộc) và suối Gia Đức (ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất), các bên liên quan đã có phản hồi thông tin.
Cá chết tại khu vực suối Bí, gần cửa xả số 3 Khu công nghiệp Dầu Giây |
Theo đó, chiều 7-11, người dân phát hiện cá và các loại thủy sản khác chết hàng loạt tại suối Bí và suối Gia Đức nên đã báo cơ quan chức năng.
Khu vực suối Bí có cống xả thoát nước số 3 của Khu công nghiệp Dầu Giây. Ông Nguyễn Thành Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Dầu Giây khẳng định khu công nghiệp không xả nước thải ra môi trường.
“Cống xả số 3 là cống chuyên dùng để xả nước mưa, hệ thống nước thải của khu công nghiệp không được đấu nối vào cống này. Còn nước thải thì được được thu gom về khu xử lý nước thải của khu công nghiệp, tại mỗi cổng xả đều có camera giám sát” - ông Sơn nói.
Cũng theo Khu công nghiệp Dầu Giây, việc cá chết xảy ra khi Công ty CP Cấp nước Gia Tân nhờ và được khu công nghiêp cho phép xả nước súc xả đường ống gang D800 tại cống xả số 3 (theo văn bản số 137/KCNDG-QLMT ngày 10-10-2023 của Công ty CP Khu công nghiệp Dầu Giây).
Còn theo Công ty CP Cấp nước Gia Tân (Nhà máy nước Gia Tân, xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất), công ty vừa thi công đường ống gang D800 từ trạm cao áp thuốc ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung đến Khu công nghiệp Dầu Giây. Tổng chiều dài tuyến ống là 11km nhằm tăng lưu lượng nước về cho các vùng sâu vùng xa.
Trong 2 ngày 6 và 7-11, công ty xả nước súc đường ống ở 2 điểm là cống số 3, Khu công nghiệp Dầu Giây và cầu Gia Đức với lưu lượng từ 1.000-2.000m3/giờ, tổng lượng nước đã xả là khoảng 6.000m3.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân giải thích, do để súc xả, làm sạch đường ống nên hàm lượng clo được đưa lên mức 2-2,5mg/l ở đầu tuyến và chỉ số này sẽ giảm về 1-1.3mg/l khi đến cuối tuyến. (Chỉ số clo theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng mục đích sinh hoạt giới hạn là 0,2 -1,0mg/l).
Ngoài ra, do lượng nước xả đổ vào môi trường quá lớn và đột ngột nên môi trường sống của các loài thủy sản bị thay đổi nên xảy ra hiện tượng cá và các sinh vật khác chết.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân cá chết bất thường |
Nguyên nhân thứ 2, theo ông Tuấn, là do lượng nước chứa trong ống đã tồn tại khoảng 5 đến 10 ngày khiến nhiệt độ lên cao, nên khi xả ra làm thay đổi nhiệt độ nước xung quanh cũng có thể khiến sinh vật bị ảnh hưởng.
“Công ty không có sử dụng hóa chất nào khác trong quá trình súc rửa” - ông Tuấn khẳng định.
Trước đó như đã thông tin, từ chiều 7-11 đến ngày 8-11, các loại thủy sản như cá, cua, lươn, ốc… chết bất thường tại suối Bí và suối Gia Đức.
Ngành chức năng H.Thống Nhất sau đó đã đi kiểm tra, lấy mẫu nước ở các vị trí suối, cửa xả, đường ống… để xét nghiệm các chỉ số môi trường.
Bá Trực - Xuân Lượng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin