(ĐN)- Sau một thời gian hết huyết thanh kháng dại, đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) đã có huyết thanh để tiêm cho người dân được bác sĩ chỉ định tiêm. Qua đó giúp người dân không phải di chuyển lên tuyến trên, đỡ tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc.
Nhân viên y tế CDC Đồng Nai chuẩn bị tiêm huyết thanh kháng dại cho một trường hợp bị chó nghi dại cắn |
Trước đó, khi CDC Đồng Nai hết huyết thanh kháng dại, người dân bị chó, mèo cắn mức độ nặng phải đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ở TP.Hồ Chí Minh để tiêm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân nếu bị chó, mèo nghi bị dại cắn, cào rách da ở vùng gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ) hoặc vùng nhiều đầu dây thần kinh như các đầu ngón tay, đầu ngón chân, bộ phận sinh dục hoặc bị nước bọt của chó, mèo nghi dại dính vào niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương, bị cắn nhiều vết thương sâu trên cơ thể thì cần được tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại ngay lập tức.
Kháng thể có trong huyết thanh có tác dụng trung hòa và làm chậm sự lan tỏa virus dại, làm cho các tính chất gây bệnh và gây nhiễm sẽ bị ức chế, nhờ đó bảo vệ được người bệnh cho tới khi các kháng thể kháng dại được sản sinh sau khi tiêm vaccine.
Tùy thuộc vào mức độ của vết thương và trọng lượng cơ thể người bị chó, mèo cắn, cào, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định liều lượng huyết thanh phù hợp. Người dân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, tiêm đủ liều huyết thanh và vaccine để phòng ngừa bệnh dại.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai ghi nhận 3 ổ dịch chó dại tại Nhơn Trạch, Định Quán và Trảng Bom. Ngoài ra, có nhiều người khác cũng bị chó, mèo cắn, cần phải tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin