Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu năm 2024 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Thanh Hải (tổng hợp)
15:17, 03/04/2024

(ĐN)- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”.

Sáng 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Dự phiên họp có các Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số ban, ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: TTXVN

* Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%

Báo cáo tại phiên họp cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3-2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2; tính chung quý I hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong đó, ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%.

Các đại biểu cho rằng, bên cạnh thành tựu, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua như: sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu và giải đáp của các bộ, ngành, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn nêu “10 mặt được” trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Trong đó, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ năm 2020; kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán; các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

* Thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”

Đại diện các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ tham dự phiên họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Đại diện các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ tham dự phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chỉ rõ 5 tồn tại, hạn chế và 5 nguyên nhân, 5 bài học kinh nghiệm; quán triệt quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Cùng với đó, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát;

Tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền. 

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, nhấn mạnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”. Trong đó, nêu cao tinh thần “5 quyết tâm” gồm: quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”;

Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Theo Thủ tướng “5 bảo đảm” phải thực hiện tốt là: bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ;

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường như thị trường bất động sản, thị trường vốn…;

Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Cùng với đó người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, tập trung thực hiện “5 đẩy mạnh” là: đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển; giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân; không tạo thêm rào cản cho người dân, doanh nghiệp; xử lý, giải quyết các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài. Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, về hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển thời kỳ mới...

Thanh Hải (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)

Tin xem nhiều