Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã đề cập đến vấn đề khó khăn trong xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hiện nay.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (bìa phải) và các đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp sáng 27-5. Ảnh: CTV |
* Số vụ được khởi tố còn ít và hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử
Đề cập đến vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc luật hiện hành chưa quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng, trốn đóng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự.
Mặc dù Bộ luật Hình sự đã quy định về tội gian lận, tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tuy nhiên trên thực tế, do còn cách hiểu khác nhau, khó khăn trong việc xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố khác cấu thành tội phạm giữa các văn bản nên tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ được khởi tố còn ít và hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.
Đại biểu cho biết, thống kê tại Đồng Nai cho thấy cơ quan BHXH tỉnh gửi 39 hồ sơ đề nghị khởi tố sang cơ quan điều tra nhưng chỉ có 3 hồ sơ được khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý cho hay, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều quy định về chậm đóng BHXH (Điều 37), trốn đóng BHXH (Điều 38), xử lý chậm đóng (Điều 39) và xử lý trốn đóng (Điều 40) là phù hợp và cần thiết. Nếu dự thảo luật được thông qua sẽ đảm bảo rõ ràng, phù hợp và áp dụng được thuận lợi hơn trong thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu. Ảnh: CTV |
* Hạn chế thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần
Quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng BHXH một lần quy định tại Điều 74 và Điều 107 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý bày tỏ ủng hộ phương án quy định người lao động được chia làm 2 nhóm.
Đại biểu cho biết, hiện tại Điều 74 của dự thảo luật đang trình 2 phương án. Mỗi phương án đều nhắm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài về an sinh xã hội cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, so sánh giữa 2 phương án thì phương án 1 có ưu điểm đảm bảo kế thừa quy định của Luật BHXH hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, tránh được những phản ứng tập thể.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần các nhóm giải pháp đồng bộ đảm bảo có những chính sách về tín dụng, ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… nhằm phát triển thị trường lao động cũng như giảm thiểu thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần, để người lao động có thể được hưởng chế độ hưu trí.
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu. Ảnh: CTV |
* Làm rõ quy định chuyển tiếp nhằm giải quyết các chế độ BHXH đối với chủ hộ kinh doanh
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phân tích, Luật BHXH năm 2006 và 2014 chưa quy định chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Và chủ hộ kinh doanh chỉ thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Do đó, việc các chủ hộ kinh doanh đã tham gia BHXH bắt buộc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật BHXH hiện hành.
Vì vậy, nếu đưa các chủ thể đó vào đối tượng chuyển tiếp của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như tại khoản 11, Điều 142 thì không hợp lý. Bởi lẽ, bản chất quy định chuyển tiếp là quy định những nội dung đã thể hiện trong luật trước nhưng vì sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung luật thì có sự thay đổi và để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng đã thuộc phạm vi điều chỉnh của luật trước thì có quy định chuyển tiếp cho đối tượng này.
Về mặt thực tiễn, đại biểu tán thành cao việc phải giải quyết chế độ cho đối tượng này vì về bản chất, đối tượng này đã phải đóng đủ số tiền BHXH mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, theo nguyên tắc đóng - hưởng thì Nhà nước phải có hướng giải quyết để họ được hưởng quyền lợi đã đóng.
Tuy nhiên, không nên luật hóa một sự việc để xử lý một tình huống. Đối với trường hợp này, đại biểu cho rằng, nên đưa nội dung này vào trong nghị quyết kỳ họp thứ 7 thì hợp lý hơn.
Việc đưa nội dung này vào nghị quyết kỳ họp bên cạnh giải quyết được tình huống nêu trên về mặt pháp lý thì cũng giúp sớm phát sinh hiệu lực hơn so với quy định của luật vì thực tế hiện nay, trong nhóm này có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được giải quyết chế độ hưu trí cũng như các chế độ khác.
Thanh Hải (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin