Sau khi trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm và 1 vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, ngành y tế đã tích cực triển khai các hoạt động cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân. Đến nay, hầu hết các bệnh nhân đã xuất viện.
Ngành y tế dồn sức điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nặng do ăn bánh mì tại thành phố Long Khánh. Ảnh: H.Dung |
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, các địa phương triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Cộng đồng trách nhiệm
* Những ngành nào có trách nhiệm trong quản lý ATTP, thưa ông?
- Để đưa được thức ăn lên bàn ăn của người tiêu dùng là cả một quá trình, trải qua nhiều khâu. Trước hết, nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm hiện do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách. Các khâu trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến nếu không bảo đảm về an toàn thì hoàn toàn có thể gây ra các vụ ngộ độc mạn tính như: ngộ độc thuốc trừ sâu, ngộ độc các chất phụ gia.
Sau khi thực phẩm được giết mổ, chế biến xong được đưa ra thị trường tiêu thụ như: chợ, siêu thị, các điểm bán hàng… lại thuộc trách nhiệm của ngành công thương.
Thực phẩm đóng gói hay không đóng gói, để trong môi trường bảo quản không tốt dẫn đến bị nhiễm các loại vi sinh cũng gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Trách nhiệm của ngành y tế là quản lý các cơ sở thực phẩm về mặt hành chính như: thẩm định, cấp giấy phép đủ điều kiện ATTP; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều kiện về ATTP.
Cuối cùng, người tiêu dùng mua những nguyên liệu thực phẩm về để chế biến thức ăn nếu không bảo đảm ATTP, bảo quản thực phẩm không tốt cũng có thể gây ngộ độc.
Tóm lại, để thực phẩm từ nông trại, cánh đồng đến được bàn ăn của người tiêu dùng là cả một chuỗi các hoạt động. Bất kỳ khâu nào nếu thực hiện không đảm bảo cũng đều có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
- Ngành y tế có trách nhiệm điều tra dịch tễ, xác định nguyên nhân, hỗ trợ truy suất nguồn gốc. Ví dụ, nếu điều tra cho thấy món thịt gà, món mì quảng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm thì chúng tôi sẽ phối hợp để truy xuất nguồn gốc từ nơi nuôi trồng, chế biến. Song song với đó, ngành y tế có trách nhiệm cấp cứu, phân loại, điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Cuối cùng sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm.
Từ trước đến nay, khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, dư luận thường nghĩ rằng trách nhiệm thuộc về riêng ngành y tế. Điều này không chính xác vì từ trung ương đến địa phương đã giao trách nhiệm cụ thể cho 3 ngành: y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Lãnh đạo 3 sở: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương được giao nhiệm vụ cụ thể trong Ban Chỉ đạo bảo đảm ATTP tỉnh. Trong đó, Sở Y tế là phó ban thường trực. Như vậy, về mặt luật pháp, quy định, các quyết định đều giao cho nhiều ngành quản lý vấn đề ATTP chứ không riêng gì ngành y tế.
* Vậy ngành y tế đề ra giải pháp gì ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới?
- Chúng tôi sẽ bám sát vào nội dung Quyết định 31/2019-QĐ-UBND ngày 17-7-2019 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý nhà nước về ATTP thuộc ngành y tế trên địa bàn tỉnh để thực hiện. Theo đó, mỗi đơn vị, mỗi cấp phải thực hiện tốt công tác quản lý đối với các cơ sở thực phẩm, các nhóm đối tượng mà mình được giao quản lý. Phải làm sao để những cơ sở từ chăn nuôi, trồng trọt đến lưu thông hàng hóa, chế biến, kinh doanh thực phẩm biết được trách nhiệm, quyền lợi của họ trong việc thực thi các quy định về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Ví dụ, họ phải biết được rằng những người tham gia chế biến thực phẩm phải đi khám sức khỏe định kỳ, phải bảo đảm điều kiện giết mổ. Đối với cơ sở buôn bán thực phẩm phải đảm bảo điều kiện về bảo quản lạnh, quy trình xử lý hàng hóa hết hạn sử dụng. Những cơ sở chế biến thực phẩm phải biết mình có trách nhiệm xin giấy phép đủ điều kiện ATTP, khám sức khỏe, thực hiện quy trình đúng các quy định đề ra.
Để làm được vậy, mỗi cán bộ, nhân viên được giao phụ trách quản lý vấn đề ATTP phải bám sát địa bàn, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm. Từ đó góp phần nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức và cải biến hành vi của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, hiểu và thực hiện việc mua, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm đúng cách, an toàn.
Luôn có kịch bản để ứng phó với các sự cố, thảm họa
* Ngành y tế chuẩn bị như thế nào để ứng phó với các vụ cấp cứu hàng loạt, thưa ông?
- Ngành y tế luôn có những kịch bản để cấp cứu các thảm họa hàng loạt, không riêng gì ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Tất cả các cơ sở y tế phải luôn trong tư thế chủ động, chuẩn bị đầy đủ cả về nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị… Thực tế thời gian qua cho thấy vấn đề này được các bệnh viện trong tỉnh thực hiện khá nhuần nhuyễn, có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, không để xảy ra những sơ sót đáng tiếc. Nhiều người bị thương nặng đã được cứu sống kịp thời.
Lãnh đạo Sở Y tế kịp thời có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sáng 1-5 để chỉ đạo công tác cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân vụ nổ lò hơi tại huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Hạnh Dung |
* Hiện đã bước vào mùa mưa, ngành y tế chuẩn bị như thế nào để giảm tối đa số ca mắc các bệnh truyền nhiễm, số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh sốt xuất huyết?
- Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh được kiểm soát. Tuy nhiên đã bước vào mùa mưa nên dự báo số ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao trong thời gian tới. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, thực hiện tốt công tác giám sát, điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ thuốc men để phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng bệnh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ, diệt muỗi để phòng bệnh. Hệ điều trị cũng chuẩn bị đầy đủ thuốc men, nhân lực, trang thiết bị để phục vụ công tác điều trị.
* Sở Y tế đã có những chỉ đạo như thế nào liên quan đến vấn đề y đức của nhân viên y tế sau vụ việc một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có hành vi vi phạm pháp luật gây rúng động dư luận gần đây?
- Mọi công dân đều có nghĩa vụ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Bất kỳ ai có hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Bác sĩ Danh Sơn cũng như hành vi vi phạm pháp luật của bác sĩ này không đại diện cho ngành y tế Đồng Nai.
Thời gian qua, lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị đã có những chỉ đạo nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, y đức cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế thông qua các hành động cụ thể. Đồng thời, trang bị những kiến thức cần thiết, nhất là về chuyên môn để nhân viên y tế tự tin trong giao tiếp với người bệnh. Đây là việc phải làm thường xuyên, liên tục chứ không phải sau khi có vụ việc đáng tiếc nào đó xảy ra mới thực hiện.
* Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)
Toàn tỉnh có hơn 19,3 ngàn cơ sở thực phẩm do các sở, ngành, địa phương quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Trong 5 tháng, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 657 người mắc, không có ca tử vong. Nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh và Trảng Bom là do vi sinh vật Salmonella spp và Staphylococcus aureus. Riêng vụ ngộ độc thực phẩm ở thành phố Biên Hòa không xác định được nguyên nhân do không còn mẫu lưu thực phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin