(ĐN)- Chiều 21-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì cuộc họp. Ảnh: H.Dung |
Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, toàn tỉnh có hơn 19,3 ngàn cơ sở thực phẩm. Trong đó, ngành y tế quản lý hơn 11,7 ngàn cơ sở. Đến nay, có 1.015/1.056 cơ sở thực phẩm ở tuyến tỉnh và hơn 1,5 ngàn cơ sở/hơn 1,7 ngàn cơ sở ở tuyến huyện được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Số cơ sở thức ăn đường phố do tuyến xã quản lý là hơn 8 ngàn cơ sở.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra vấn đề ATTP tại hơn 5,6 ngàn cơ sở thực phẩm. Kết quả có 539 cơ sở vi phạm, trong đó có 134 cơ sở bị xử phạt vi phạm số tiền 670 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác buộc phải tiêu hủy.
Trong 5 tháng, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 657 người mắc, không có ca tử vong. Nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh và Trảng Bom là do vi sinh vật Salmonella spp và Staphylococcus aureus. Riêng vụ ngộ độc thực phẩm ở thành phố Biên Hòa không xác định được nguyên nhân do không còn mẫu lưu thực phẩm.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vấn đề ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: H.Dung |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Văn phòng UBND tỉnh, các sở Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về ATTP mà UBND tỉnh đã ban hành trước đó. Mục đích nhằm đảm bảo quản lý ATTP hiệu quả.
Giao Sở Y tế và Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP. Nội dung cần tập trung vào các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, nhấn mạnh sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương.
Đề nghị nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ sở, cá nhân, doanh nghiệp trong việc cung cấp, kinh doanh, buôn bán thực phẩm. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo ATTP cho người chế biến, người sử dụng, bảo quản thực phẩm; tác hại của mất an toàn vệ sinh thực phẩm; các quy định về quản lý nhà nước như: cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Các sở, ngành, địa phương vừa hướng dẫn, vừa rà soát xem cơ sở nào chưa đủ điều kiện cấp giấy phép thì phải công khai để cơ sở biết và thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, cần lưu ý công tác bảo đảm ATTP tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể trong trường học, siết quản lý các cơ sở, hàng quán bán thực phẩm bên ngoài trường học.
“Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý theo phân cấp, phân quyền. Khi đi kiểm tra phải cho công khai, minh bạch, xử lý đúng quy định, không cả nể mà bỏ qua sai phạm cũng không gây nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các cơ sở” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin