Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 27-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV |
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với tờ trình và báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền nhận thức về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Nhiều đại biểu nhất trí với quan điểm cần phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng tại chỗ trong quá trình tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu đồng ý với dự thảo luật cho rằng, trong hoạt động PCCC, cứu nạn, cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính; tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại do cháy, sự cố, tai nạn gây ra.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 12 quy định biện pháp cơ bản trong phòng cháy, với nội dung: Tích cực khai thác lực lượng tại chỗ bên cạnh lực lượng PCCC chuyên nghiệp; chú trọng việc phát huy vai trò của người dân ở địa phương, bởi theo đại biểu tỉnh Đồng Nai, những người đã, đang sống và làm việc tại khu vực đó sẽ hiểu rất rõ nơi mình sinh sống.
Đại biểu đề nghị, nội dung diễn tập, hướng dẫn tình huống cần được thực hiện định kỳ hằng năm tại các đơn vị như trường học, doanh nghiệp...; xây dựng nội dung tập huấn, hướng dẫn theo từng đối tượng, từng cấp học nhằm nâng cao năng lực, khả năng tự xử lý thoát hiểm cho người dân trong tình huống có hỏa hoạn, thảm họa xảy ra.
Quan tâm tới những giải pháp và biện pháp phòng cháy quy định tại Chương II của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị bổ sung vào Điều 12. Biện pháp cơ bản trong phòng cháy nội dung: Tích cực khai thác lực lượng tại chỗ, bên cạnh lực lượng PCCC chuyên nghiệp, chú trọng việc phát huy vai trò của người dân ở địa phương.
Tại Điều 13. Quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Tiến hành thanh tra tình hình, tình trạng lấn chiếm các hành lang thoát hiểm phục vụ công tác chữa cháy trong các khu dân cư.
Tại Điều 14. Thẩm tra, thẩm định thiết kế về PCCC; Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Xã hội hóa các hình thức thẩm tra, thẩm định thiết kế về PCCC cũng như công tác nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC.
Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và quy định thêm vào dự thảo luật này các nhiệm vụ đã được xác định tại Chỉ thị số 47 và Kết luận số 02, cụ thể như: đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC đã được nêu tại Mục 5, Chỉ thị số 47; chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý các tình huống nếu xảy ra các sự cố, tai nạn, đảm bảo nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ"; thường xuyên tổ chức diễn tập, thực hành cho nhân dân về PCCC...
Thanh Hải (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin