Báo Đồng Nai điện tử
En

Gần 90% đối tượng sử dụng vũ khí liên quan đến dao để gây án

Thanh Hải
14:05, 03/06/2024

Sáng 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định đưa ra phải đảm bảo không để lợi dụng việc sử dụng dao nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (bìa phải) tham dự kỳ họp thứ 7. Ảnh CTV
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (bìa phải) tham dự kỳ họp thứ 7. Ảnh CTV

* Phương tiện gây án nguy hiểm

Qua báo cáo của Quốc hội, tổng kết 5 năm thi hành luật của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số gần 29 ngàn vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến gần 25,5 ngàn vụ (chiếm gần 90%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án.

Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.

Tại phiên thảo luận, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) cho biết, riêng trên địa bàn Đồng Nai, trong số 468 vụ liên quan đến vũ  khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì có 313 vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra các án như giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng... (chiếm gần 67%).

Theo đại biểu, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, dự thảo luật chỉ quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật;

Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Quy định như vậy là rất hợp lý, không ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội.

Thiếu tướng Nguyễn Sĩ Quang, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

* Cần thiết sửa đổi các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang phân tích, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự…

Để thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ.

Do đó, việc sửa đổi các quy định về thủ tục cấp giấy phép như luật hiện hành là rất cần thiết.

Ảnh: CTV
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trao đổi bên lề cuộc họp. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ có thời hạn 5 năm, sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi; một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay...) được cấp giấy xác nhận đăng ký và không có thời hạn.

Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thi hành luật, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu. Hàng năm, cơ quan quản lý, cấp phép đã tiến hành kiểm tra; việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực; giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là loại giấy phép cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cho hay, Đồng Nai hiện có 352 cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành công an được trang bị và cấp giấy phép sử dụng với tổng số gần 2,9 ngàn vũ khí quân dụng; hơn 40 ngàn công cụ hỗ trợ các loại; 29 vũ khí thể thao, 152 vũ khí thô sơ.

Vì vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ là hợp lý.

Để bảo đảm tính ổn định xã hội, các đại biểu đề nghị cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của các vi phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống…

Thanh Hải (ghi)

Tin xem nhiều