(ĐN)- Trong quá trình sinh hoạt tại nhà, cụ bà L.S., 100 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ bị té ngã dẫn đến chấn thương vùng đùi, háng. Gia đình sau đó tự bó thuốc cho cụ S. nhưng không khỏi.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho cụ S. sau ca phẫu thuật. Ảnh: Hạnh Dung |
Ngày 8-6, 1 tuần sau tai nạn, cụ S. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để thăm khám do cụ bị đau nhiều ở vùng đùi kèm táo bón.
BS CKII Lê Ngân, Trưởng khoa Ngoại – chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, cụ S. được chẩn đoán bị gãy cổ xương đùi. Ở những người lớn tuổi như cụ S., vết gãy sẽ không thể lành nên giải pháp tối ưu nhất là mổ thay khớp. Nếu không, cụ S. sẽ không thể đi lại được, đau đớn, nằm tại chỗ dẫn đến những biến chứng như loét, viêm phổi, phải sinh hoạt tại chỗ.
Ngày 12-6, trong vòng 30 phút, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ thay khớp cho cụ S. 2 ngày sau mổ, cụ S. được tập đi lại. Ngày 16-6, sức khỏe cụ S. ổn định và sẽ sớm được xuất viện. Sau khi xuất viện, cụ S. cần tập đi lại để sớm trở về cuộc sống bình thường.
Theo bác sĩ Lê Ngân, khó khăn nhất trong việc thực hiện ca mổ với những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền (tim mạch, tiểu đường, phổi) như cụ S. là vấn đề gây mê hồi sức. Ngoài ra, xương của bệnh nhân rất loãng, việc kéo, nắn trong mổ rất dễ dẫn đến gãy xương. Do vậy, yêu cầu bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, khéo léo, cẩn thận.
Bác sĩ Lê Ngân cho biết, trung bình mỗi năm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện từ 7-8 ca phẫu thuật thay khớp đùi, khớp háng cho các bệnh nhân từ 100 tuổi trở lên, cao tuổi nhất là 103 tuổi.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin