(ĐN)- Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản B thứ 7 kể từ đầu năm 2024 đến nay. Đó là em H.L.T.B., 16 tuổi, ngụ ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Cương Quyết |
Theo điều tra dịch tễ, vào giữa tháng 6-2024, bệnh nhân có vào rừng đi bẻ măng cùng hàng xóm. Đến giữa tháng 7 thì em B. có biểu hiện đau đầu, sốt. Gia đình đã tự đi mua thuốc về cho em uống nhưng sau đó vẫn đau đầu, sốt nên được đưa đến bệnh viện khám. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Đến cuối tháng 7, bệnh nhân được chuyển từ khoa Cấp cứu lên khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để theo dõi, điều trị. Bệnh nhân sau đó có dấu hiệu mệt mỏi, không nói chuyện, ăn uống ít, nằm li bì, sốt cao, cứng hàm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với viêm não Nhật Bản B.
Qua điều tra các hộ dân xung quanh nhà bệnh nhân không có trang trại chăn nuôi heo, chim cút, gà, vịt nào. Xung quanh nhà bệnh nhân có nhiều cây cối um tùm, chứa các vật chứa nước, đọng nước có lăng quăng, trong nhà chưa được dọn dẹp sạch sẽ.
Đáng lưu ý, theo người nhà, bệnh nhân được tiêm đầy đủ các loại vaccine, trong đó có 3 mũi viêm não Nhật Bản được tiêm tại trạm y tế xã Tân An vào năm 2011 và 2012.
Bệnh viêm não Nhật Bản B có thể bị lây truyền từ người này sang người khác do bị côn trùng đốt hoặc do môi trường sinh hoạt không đảm bảo. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có nguy cơ bị mắc bệnh. Những biến chứng của bệnh như: viêm đường hô hấp, co giật, động kinh, di chứng thần kinh và tâm thần, hôn mê sâu, suy kiệt nặng.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 7 ca bệnh viêm não Nhật Bản B tại Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin