(ĐN)- Tiếp tục chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương năm 2024 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II tổ chức, ngày 3-8, các học viên được học tập 2 chuyên đề: Cải cách hành chính công theo hướng xã hội số, chính quyền số ở Việt Nam - gợi mở cho địa phương, do PGS-TS.Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II truyền đạt; Tầm nhìn và tư duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội do Tiến sĩ Võ Thành Khối, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II truyền đạt.
Các học viên tham gia lớp học. Ảnh Khánh Lộc |
Theo PGS-TS.Nguyễn Thị Tuyết Mai, quan điểm của Đảng ta về cải cách nền hành chính công giai đoạn 2021-2030 có thể khái quát, gồm: Xây dựng chính phủ/chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ; Chuyển đổi số, cải cách hành chính theo hướng xã hội số, chính phủ/chính quyền điện tử hướng tới chính phủ/chính quyền số; Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đổi mới quản trị địa phương.
Thực hiện chủ trương của Đảng và trên cơ sở tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay: thể chế ngày càng được hoàn thiện, củng cố và triển khai có hiệu quả trên thực tế. Việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử đạt kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV. Các dịch vụ sự nghiệp công từng bước được nâng cao chất lượng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế. Trong đó về thể chế, vẫn còn một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi; chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mẫu thuẫn, còn văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật...
Các học viên tham gia lớp học. Ảnh: Khánh Lộc |
Tại Đồng Nai, chỉ số cải cách hành chính năm 2023 xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 19 bậc so với năm 2022); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, xếp 44/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2022); chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2022 xếp 8/63 tỉnh, thành phố; chỉ số chuyển đổi số năm 2022 xếp 43/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2022 xếp 22/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả trị và hành chính công cấp tỉnh, từ năm 2020-2023 thuộc nhóm trung bình thấp.
PGS-TS.Nguyễn Thị Tuyết Mai đã gợi ý những giải pháp cho Đồng Nai đối với nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước thời gian tới. Trong đó thực hiện quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả hiệu quả. Khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Đẩy mạnh phát triển các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Về tầm nhìn và tư duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, Tiến sỹ Võ Thành Khối cho rằng, tầm nhìn là điều kiện hàng đầu, quan trọng của người lãnh đạo. Không thể hình dung một người lãnh đạo thiếu tầm nhìn mà có thể ngồi ở vị trí lãnh đạo có hiệu quả, không thể có trường hợp người lãnh đạo chỉ có tầm nhìn hạn hẹp mà có thể lãnh đạo một tổ chức nào đó, một địa phương nào đó đi đến thành công...
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin