(ĐN)- Trong khuôn khổ Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2024, sáng 9-8, đã diễn ra Hội nghị Giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý III-2024 của Việt Nam.
Các đại biểu chủ trì Giao ban ngành gỗ Việt Nam quý III-2024. Ảnh: Vương Thế |
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. 7 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 9,4 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ các biến động địa chính trị, chi phí vận tải biển tăng cao và nhiều khó khăn nội tại khác .
Đơn cử, với Hoa Kỳ - thị trường quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, chiếm trên 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành, trong những tháng đầu năm 2024 đã có nhiều thay đổi về chính sách. Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Doanh nghiệp tham quan một gian hàng của Đồng Nai trong Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2024 diễn ra từ 8 đến 11-8. Ảnh: Vương Thế |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên năm trụ cột chính: kỹ thuật, công nghệ sản xuất, giảm phát thải, quản trị (chuyển đổi số), xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.
Các DN ngành gỗ cũng mong muốn phối hợp với các bộ, ngành để cập nhật thông tin chính sách từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm; đề xuất tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho các nhà máy chế biến gỗ. Bên cạnh đó, quản lý tốt hội chợ chuyên ngành, xây dựng các hội chợ tầm quốc tế.
Chiều cùng ngày đã diễn ra Tọa đàm Thực trạng và một số giải pháp cho một số vấn đề cần quan tâm của ngành gỗ Việt. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp đã cùng bàn luận về vấn đề những vấn đề phát thải khí nhà kính, khuyến cáo cho doanh nghiệp; các yêu cầu của châu Âu về phát triển bền vững và quy định gỗ hợp pháp mà doanh nghiệp cần lưu ý...
Vương Thế
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin