Báo Đồng Nai điện tử
En

Khói thuốc làm “bay vèo” hàng ngàn tỷ đồng

Bích Nhàn
13:54, 11/10/2024

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc. Hàng năm, người dân đã chi khoảng 49 ngàn tỷ đồng để mua thuốc lá (số liệu năm 2020). Bên cạnh đó, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108 ngàn tỷ đồng một năm.

Mỗi năm, người dân Việt Nam đã chi khoảng 49 ngàn tỷ đồng để mua thuốc lá. Ảnh: Bích Nhàn
Mỗi năm, người dân Việt Nam đã chi khoảng 49 ngàn tỷ đồng để mua thuốc lá. Ảnh: Bích Nhàn

Bệnh triền miên do khói thuốc

20 tháng tuổi, bé Hữu S., ngụ tại xã Phước Tân, TP. Biên Hòa đang phải điều trị bệnh viêm phổi tái diễn tại Bệnh viện Âu Cơ.

Mẹ bé S. cho hay, lúc hơn 1 tháng tuổi, bé S. cũng đã phải nhập viện điều trị viêm phổi trong khoảng thời gian dài. “Lý do, chồng tôi thường xuyên hút thuốc, ngay cả khi tôi mang bầu, sinh con. Tôi cũng để ý, mỗi khi con tôi ngửi thấy khói thuốc bé sẽ ho nhiều hơn bình thường” - mẹ bé S. chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Sửu, Phó giám đốc y khoa, Bệnh viện Âu Cơ cho hay, khi trẻ sống trong môi trường có ông/ bà hoặc ba/ mẹ (người nhà) hút dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là các bé có cơ địa bị hẽn, suyễn. “Bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp trẻ có bệnh hen mà người lại sống chung với người nhà hút thuốc lá nên đi bệnh viện như cơm bữa. Trước những ca bệnh này, chúng tôi chỉ còn cách khuyên người nhà bỏ thuốc vì sức khỏe con cháu mình. Nhưng không phải ai cũng có thể bỏ thuốc như lời khuyên của bác sĩ” – bác sĩ Sửu chia sẻ.

Theo bác sĩ Sửu, khói thuốc chứa hàng ngàn hóa chất độc hại. Riêng ở trẻ em, khói thuốc có ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các bà mẹ hút thuốc, trẻ sinh ra sẽ bị hen cao hơn so với những trẻ khác. Khói thuốc làm cho đường thở bị hạn chế. Hơn nữa, những trẻ này khi hít phải khói thuốc cũng dễ bị viêm phổi và bệnh kéo dài. “Khói thuốc cũng ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ. Trong những năm qua, dù chưa có nghiên cứu cụ thể để chứng minh ảnh hưởng nặng nề của khói thuốc đối với trẻ. Nhưng thực tế điều trị, tôi đã chứng kiến có bệnh nhi hết hen khi ba của bé bỏ hút thuốc” – bác sĩ Sửu nói.

Vài năm trước đây, suốt 1 năm ròng, bác sĩ Sửu đã tiếp nhận một bệnh nhi bị lên cơn hen thường xuyên. Các bác sĩ dù điều trị phòng ngừa nhưng bệnh không bớt. Các bác sĩ tư vấn, thuyết phục ba của bé bỏ thuốc thì con mới hết bệnh. “Sau 1 thời gian người cha bỏ hút thuốc, bé cũng không còn xuất hiện cơn hen nữa. Mỗi ca bệnh hen, chúng tôi luôn hỏi thân nhân bệnh nhi có hút thuốc hay không và khuyến cáo họ phải bỏ thuốc” – bác sĩ Sửu kể.

Ngoài ra, với các ca bệnh nhi bị bệnh phổi, các bác sĩ cũng khuyên thân nhân bệnh nhi không cho bé tiếp xúc với khói thuốc để tránh bệnh kéo dài, tái đi, tái lại.

Khói thuốc và cái giá phải trả

2 bên phổi đã bị xơ hóa nên chồng chị Ngô Thị Loan, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán liên tục bị viêm phổi. Lần này, chị Loan lại đưa chồng nhập viện cấp cứu vì viêm phổi tái phát và suy tim. Chồng chị Loan đã “làm bạn” với thuốc lá. Trung bình với mỗi ngày khoảng 1 bao thuốc. “Mỗi lần hút thuốc xong là ho nhưng chồng tôi vẫn không thể bỏ thuốc. Lần này nhập viện, chồng tôi còn hút thuốc ngay trong bệnh viện, bác sĩ khuyên bỏ thuốc nhiều lần nhưng vẫn không được” – chị Loan cho hay.

Theo Bộ Y tế, trong khói thuốc có hơn 50 hóa chất gây ung thư, nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… ở người lớn. Phụ nữ khi mang thai mà hút thuốc chủ động hoặc thụ động phải đối mặt với tình trạng: sinh non, nhẹ cân, thai chết lưu…

Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, những tác động, ảnh hưởng và hệ lụy do thuốc lá để lại là rất lớn đối với gia đình và xã hội. Thời gian qua, Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào tuyên truyền đến người dân về Luật chống tác hại của thuốc lá; xây dựng mô hình bệnh viện, trường học… không thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các sản phẩm thuốc lá… Qua đó, người dân cũng đã có có hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá, thuốc lào đến sức khỏe của mình.

Bác sĩ Trung đánh giá, dù có chuyển biến tích cực hơn trước nhưng tình trạng người hút thuốc lá tại các nơi công cộng như siêu thị, chợ, thậm chí ngay trong bệnh viện vẫn còn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử hiện đang được giới trẻ “ưa chuộng” do lầm tưởng loại thuốc lá này ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống. Nhưng thực tế, người hút dễ bị nghiện nicotine, có thể dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu, liên quan đến việc tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ.

Để xây dựng và thực thi môi trường không khói thuốc trên địa bàn tỉnh cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân. Từ đó, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của mỗi người.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều