(ĐN) - Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 ngàn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Không chỉ người hút thuốc bị bệnh mà khói thuốc còn làm ảnh hưởng tới những người xung quanh hay còn gọi là hút thuốc thụ động, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm về tim mạch, phổi…
Dù nhiều lần nhập viện do khó thở, suy hô hấp và bác sĩ "tuýt còi" yêu cầu ngưng thuốc lá nhưng bệnh nhân này vẫn không thể bỏ thuốc. Ảnh: Bích Nhàn |
"Nghiện thuốc… vào viện là khiếp ngay!"
Chứng kiến cảnh bệnh nhân “Mắt trợn ngược, miệng há to chỉ cố để thở” tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai, cảnh tượng thực tế này khiến ông Đỗ Văn Hiển, ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa thấy hãi hùng và bỏ thuốc ngay lập tức. Theo lời ông Hiển, ông đã hút thuốc từ 34 năm nay và cũng đã 3 - 4 lần quyết tâm bỏ thuốc nhưng đều thất bại. Chỉ đến khi phát hiện mình bị tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) giai đoạn đầu và chứng kiến cảnh người bệnh bị khó thở, thở khò khè và phải nằm thở ô-xy tại bệnh viện, ông Hiển mới giật mình và phải từ bỏ thói quen hút thuốc với 8 - 10 điếu/ ngày. “Cứ cho người hút thuốc vào bệnh viện và nhìn thấy cảnh người bệnh bị COPD giai đoạn cuối là sẽ khiếp ngay” - ông Hiển nói.
Người hút thuốc lá khó bỏ thuốc một phần vì thuốc lá vừa rẻ, vừa dễ mua. Bất kỳ ai và ở lứa tuổi nào chỉ cần ghé vào hàng tạp hóa hay xe bán thuốc lá bên đường là đều có thể mua được.
Tại cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thanh Dung (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa), thuốc lá được bán như các mặt hàng khác, không cần đăng ký riêng. "Một ngày, tôi bán được vài chục bao thuốc lá. Khách hàng hầu như là những người lao động ở tuổi từ 20-40 tuổi, nhưng cũng có người sai con nhỏ, chỉ vài tuổi đi mua" - chị Dung cho hay.
Hút thuốc… nguy cơ rình rập
Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao B, Bệnh viện Phổi Đồng Nai tâm sự, khi bàn về tác hại của khói thuốc lá, có nhiều người nói: “Tôi đã hút thuốc mấy chục năm nay, có thấy tác hại gì đâu. Nhiều người có hút thuốc đâu mà vẫn bệnh đấy thôi. Với quan điểm cố chấp như vậy, chuyện cai thuốc gần như là không thể”.
BS. Thịnh cho biết, những nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đã được giới khoa học xác nhận: Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất đã được định dạng, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư. Khói thuốc khi vào máu sẽ từ từ tác động đến mọi bộ phận trong cơ thể và gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm. Trong đó, có ung thư phổi, một loại ung thư nguy hiểm và phổ biến nhất. Hiện nay, 90% những trường hợp mắc ung thư phổi đều có liên quan đến thuốc lá, khoảng 10% số người hút thuốc lá sẽ nguy cơ tắc nghẽn mạn tính, ngoài bệnh đó ra những người hút thuốc lá thường hay bị ho khạc đờm, xoang mũi miệng có mùi hôi khói thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.
Đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với sự suy giảm chức năng hô hấp (khó thở) tiến triển ngày càng nặng cùng với nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, thuốc lá còn gây các bệnh về tim mạch: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ; các bệnh về chuyển hóa: hút thuốc làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt có ở trong máu và gây nên những tổn thương do xơ vữa động mạch, mà hậu quả có thể gây hoại tử ở chân, tay; làm tăng nhanh quá trình lão hóa (suy giảm trí nhớ, teo cơ, da nhăn nheo), yếu sinh lý, vô sinh…
“Người mẹ khi mang thai hút thuốc, ngoài có hại cho bản thân còn làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi: sảy thai, thai chết lưu, thai nhẹ cân khi sinh ra, trẻ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp sau này” - BS Thịnh khuyến cáo.
Không chỉ người hút thuốc bị bệnh mà khói thuốc còn làm ảnh hưởng tới những người xung quanh do hít phải khói thuốc hay còn gọi là hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động cũng gây nên nhiều bệnh nguy hiểm. Ở người lớn, đó là: ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, các bệnh ở đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân; ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Bích Nhàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin