Báo Đồng Nai điện tử
En

Một phụ nữ ở Biên Hòa dùng chứng chỉ giả vừa mở phòng khám chữa bệnh vừa đào tạo, cấp chứng chỉ giả

Bích Nhàn
19:47, 29/10/2024

“Nổ” là bác sĩ đa khoa nhưng chọn chuyên ngành vật lý trị liệu để hành nghề, một phụ nữ ở Biên Hòa đã mở phòng khám riêng về vật lý trị liệu - y học cổ truyền tại chợ Phú Thọ (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa).

Hơn thế, cơ sở này còn nhận đào tạo cấp tốc chỉ 3 tháng và cấp chứng nhận cho người học. Tuy nhiên, Sở Y tế đã xác minh, chứng chỉ của người phụ nữ này cũng… là giả.

Phòng khám không phép hoạt động ngay chợ

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất cơ sở vật lý trị liệu - y học cổ truyền do bà Kiều Thị Khánh Huệ (41 tuổi, thường trú tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) làm chủ.

Theo đó, cơ sở trên được đặt tại tổ 10, khu phố 5A, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa (chợ Phú Thọ).

Phòng khám của bà Huệ tại chợ Phú Thọ, phường Trảng Dài, thành Phố Biên Hòa. Ảnh: Bích Nhàn
Phòng khám của bà Huệ tại chợ Phú Thọ, phường Trảng Dài, thành Phố Biên Hòa. Ảnh: Bích Nhàn

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở của và Huệ không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Chính bà Huệ cũng xác nhận là có thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh như viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay, á sừng, các loại nấm… khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Dù vậy, bà Huệ vẫn xuất trình được chứng chỉ đào tạo vật lý trị liệu - phục hồi chức năng do Trường trung cấp Công nghệ quốc tế , cấp ngày 20-9-2019. Và bà Huệ cho rằng: “Cứ tưởng có chứng chỉ đào tạo này là có thể được khám bệnh, chữa bệnh (?)”.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở này còn có máy Quatium Analyzer và các máy điện châm nhưng đều chưa xuất trình được hồ sơ, lý lịch máy.

Ngay sau khi kiểm tra đột xuất, Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu bà Huệ không được sử dụng chứng chỉ đào tạo này để tiếp tục khám bệnh, chữa bệnh nữa.

Bệnh nhân khám, chữa bệnh tại phòng khám của bà Huệ. Ảnh: Bích Nhàn
Bệnh nhân khám, chữa bệnh tại phòng khám của bà Huệ. Ảnh: Bích Nhàn

Không giấy phép hoạt động vẫn đào tạo học viên

Không chỉ dừng lại ở việc khám, chữa bệnh không phép, bà Huệ còn xác nhận có nhận 2 học viên tên N. T. T. và N. T. H. để học lấy chứng chỉ y học cổ truyền vật lý trị liệu.

Tuy nhiên, chính học viên của bà Huệ cũng cảm thấy chương trình đào tạo và chứng chỉ đào tạo của bà Huệ “có vấn đề”.

Theo  2 học viên trên, đầu năm 2024, qua một người bạn, chị T. gặp bà Huệ và được tư vấn bà Huệ nhận đào tạo học viên môn vật lý trị liệu - phục hồi chức năng khóa cấp tốc, chỉ trong 3 tháng là sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Mức học phí đóng về trường là 30 triệu/1 học viên và mức học phí tại phòng khám riêng của bà Huệ là 20 triệu/1 học viên.

Hơn 10 năm nay, bà H vẫn giữ mức học phí này. Thêm vào đó, khi đăng ký học, bà Huệ sẽ làm hợp đồng học nghề rõ ràng, chi tiết cho từng học viên. Đóng học phí sẽ có hóa đơn rõ ràng nên chị T. tin tưởng và rủ chị H. đăng ký học chung.

“Do có 2 người cùng đăng ký học thì mức học phí sẽ được giảm 3 triệu/1 người, tôi được tặng khoản học phí tại phòng khám của bà Huệ do tôi giới thiệu người học nên đóng 27 triệu đồng. Với thời gian 3 tháng và mức phí trên, bà Huệ có hứa sẽ dạy cho chúng tôi cách sử dụng các loại máy phục vụ cho việc điều trị bệnh trên người, cách bào chế thuốc và pha thuốc. Chúng tôi sẽ được thực hành trực tiếp trên cơ thể của nhau để cảm nhận và biết về các huyệt đạo có tác dụng gì, và huyệt đạo đó chữa những bệnh gì?” – chị T. cho biết.

Sở Y tế gửi văn bản đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai

Trước sự việc trên, Sở Y tế đã gửi văn bản đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh về thông tin lừa đảo, giả mạo việc cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Bởi qua xác minh của Sở Y tế, thời gian ghi trong chứng chỉ cấp cho học viên của bà Huệ không đúng thời gian đăng ký học. Ngoài ra, chính chứng chỉ của bà Huệ cũng không phải do Trường trung cấp Công nghệ quốc tế tỉnh Thái Bình cấp.

Dù hoạt động khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động, cơ sở của bà Huệ vẫn nhận đào tạo học viên. Ảnh: Bích Nhàn
Dù hoạt động khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động, cơ sở của bà Huệ vẫn nhận đào tạo học viên. Ảnh: Bích Nhàn

Thực tế, “lời hứa gió bay”, ngay khi chính thức học, chị T. và chị H. đều thắc mắc và hỏi bà Huệ về hóa đơn tiền học phí, hợp đồng và quan trọng nhất là trường nào, đơn vị nào sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho học viên?

Trả lời thắc mắc trên, bà Huệ cho rằng, các vấn đề trên chị T. và chị H. "không cần phải quan tâm" vì hóa đơn đã có lệnh chuyển khoản của ngân hàng nên không thể mất. Hợp đồng thì không ai “lừa đảo” nên không cần xem và không phải ký; chứng chỉ thì đến ngày khắc sẽ có và trường nào cấp chứng chỉ cũng được miễn sao là học xong có chứng chỉ.

“Nghe vậy, chúng tôi cứ cố gắng tập trung học và mong chờ ngày được nhận chứng chỉ. Nhưng càng học tôi càng nhận thấy, tất cả những gì chúng tôi học hoàn toàn không đúng như những lời bà Huệ đã tư vấn lúc đầu” – chị T. cho hay.

Chứng chỉ của chủ cơ sở lẫn học viên đều… giả

Nhưng thực tế, về lý thuyết không có giáo trình cụ thể, về thực hành, học viên chỉ xoa thuốc bóp chân cho khách hàng bệnh nhân, lâu lâu chuyển lên đấm bóp lưng và đầu. Tất cả chỉ nhìn thao tác bà Huệ làm để làm theo.

Chị T. nhấn mạnh: “Đặc biệt hơn là về thuốc, bà Huệ chưa hề chỉ cho chúng tôi cách pha thuốc tỉ lệ như thế nào, thuốc này có tác dụng gì, và sử dụng điều trị bệnh nào, thậm chí là giấu kỹ. Đến ngày thi, thay vì đến trường thi thì chúng tôi chỉ ở phòng khám chép bài có sẵn…”.

Theo phản hồi của Trường Trung cấp Công nghệ Quốc tế tỉnh Thái Bình, nhà trường không cấp chứng chỉ cho bà Huệ và cả 2 học viên. Ảnh: Bích Nhàn
Theo phản hồi của Trường trung cấp Công nghệ quốc tế tỉnh Thái Bình, nhà trường không cấp chứng chỉ cho bà Huệ và cả 2 học viên. Ảnh: Bích Nhàn

Nhưng điều bất ngờ nhất vẫn là lúc nhận chứng chỉ, khiến cả chị T. và chị H. ngỡ ngàng, và đầy ngạc nhiên. Lý do là cả 2 học viên đều hoàn thành chương trình đào tạo vật lý trị liệu - phục hồi chức năng trong khoảng thời gian từ ngày 18-8-2023 đến ngày 17-11-2023; chứng chỉ được lập ngày 19-1-2024. Trong khi đó, đầu tháng 1-2024, chị T. mới gặp và bắt đầu học tại cơ sở của bà Huệ (?)

Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo, khi xác định học nghề, đặc biệt là nghề y, người dân cần cẩn trọng trong việc lựa chọn cơ sở để học. Các ngành học và đơn vị đào tạo y khoa đều được công khai, có sự tổ chức chặt chẽ với mô hình nhà trường. Một cá nhân hay cơ sở nhỏ lẻ như phòng khám của bà Huệ không thể tự đào tạo y khoa dưới bất cứ hình thức nào được. Do vậy, ngay khi gặp những trường hợp tương tự, người dân cần phải cảnh giác, tránh bị “tiền mất, tật mang” và tránh bị vướng vào vi phạm pháp luật.

Quá hoang mang về độ xác thực của chứng chỉ trong tay, chị T. và H. đã “cầu cứu” cơ quan chức năng. Sau kiểm tra đột xuất cơ sở của bà Huệ, vào ngày 9-9, Thanh tra Sở Y tế đã làm văn vản gửi văn bản cho Trường trung cấp Công nghệ Quốc tế tỉnh Thái Bình để xác minh 3 chứng chỉ đào tạo vật lý trị liệu - phục hồi chức năng của cả bà Huệ và 2 học viên (chị T. và chị H.) có phải do trường cấp hay không?

Và 10 ngày sau, Trường trung cấp Công nghệ quốc tế đã trả lời Sở Y tế: “Trường không đào tạo về phục hồi chức năng. Cả 3 chứng chỉ trên đều không phải do nhà trường cấp”.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều