Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế VN năm 2007: Thuận lợi nhiều hơn

04:01, 04/01/2007

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định năm 2007 nền kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hơn bất lợi và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng giảm đi, thị trường khó khăn hơn.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định năm 2007 nền kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hơn bất lợi và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng giảm đi, thị trường khó khăn hơn.

Theo Tiến sĩ Thiên, nằm trong khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, Việt Nam sẽ không rơi vào tình trạng giảm sút chung của kinh tế thế giới. Hơn nữa, khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với việc giá cả sẽ ít biến động, đặc biệt là giá nguyên liệu, mặt bằng giá cả thế giới sẽ bớt rủi ro hơn so với năm 2006. Điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam còn có những thuận lợi riêng do việc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ thông qua quy chế PNTR, những kết quả đạt được từ năm APEC 2006.

Những yếu tố này cùng với những thành tựu đạt được trong năm 2006 về tốc độ tăng trưởng GDP vượt trên 8%, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn viện trợ phát triển chính thức và kim ngạch xuất khẩu đều đạt mức kỷ lục sẽ là những động lực mạnh mẽ mở ra cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2007. 

Theo ông Trần Đình Thiên, với việc nhìn nhận Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai châu Á, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam trong năm 2007. Về thương mại, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục có thêm nhiều thuận lợi để thâm nhập sâu rộng hơn vào các thị trường lớn. 

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng cho rằng, sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và sự bùng nổ của thị trường chứng khoán thời gian qua đã chứng minh nội lực nền kinh tế Việt Nam rất dồi dào.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là do khai thác lợi thế sẵn có như tài nguyên thiên nhiên và lao động không có tay nghề. Những ưu thế cạnh tranh tĩnh này về lâu dài sẽ mất đi, các doanh nghiệp phải có chiến lược khai thác lợi thế cạnh tranh khác.

Muốn vậy, ngoài việc Chính phủ tăng cường tạo môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý thông thoáng để giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt các nguồn lực, thì bản thân doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ cần có chiến lược liên kết với nhau và khu vực đầu tư nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không thể đứng đơn lẻ.
 
 Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng đề cập đến những yếu tố có thể ảnh hưởng dài hạn mà trong năm 2007 Việt Nam cần khắc phục là cơ sở hạ tầng cho phát triển, nhất là giao thông đường bộ và cảng biển. (TTXVN)

Tin xem nhiều