(ĐN)- Ngày 16-3, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định thành lập 4 Ban bầu cử ở 4 đơn vị bầu cử trong tỉnh. Việc thành lập các Ban bầu cử là bước quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 20-5 sắp tới.
Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Huỳnh Chí Thắng trao dấu mộc, quyết định thành lập các Ban bầu cử tỉnh cho thành viên 4 Ban bầu cử. |
(ĐN)- Ngày 16-3, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định thành lập 4 Ban bầu cử ở 4 đơn vị bầu cử trong tỉnh. Việc thành lập các Ban bầu cử là bước quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 20-5 sắp tới.
Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Huỳnh Chí Thắng, cho biết Thường trực HĐND tỉnh sau khi thống nhất với UBND và Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử. Theo quy định, mỗi Ban bầu cử có từ 9-15 thành viên. Xét thấy quy mô dân số đông, địa bàn rộng lớn nên lãnh đạo tỉnh quyết định cho thành lập mỗi Ban bầu cử có đủ 15 thành viên. Cơ cấu thành viên mỗi Ban bầu cử đều có đủ thành phần gồm: Lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Phòng Nội vụ- Lao động thương binh - xã hội cấp huyện. Ngoài ra, ở mỗi Ban bầu cử tùy theo điều kiện, tình hình còn cử các thành viên thuộc khối mặt trận, đoàn thể (như Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ) và đại diện các phòng trực thuộc UBND cấp huyện (như Tài chính - kế hoạch, Văn hóa - thông tin, Tư pháp) tham gia. Cơ cấu này là nhằm đảm bảo cho các Ban bầu cử hoạt động dân chủ, bình đẳng.
Thư ký Ủy ban bầu cử tỉnh Nguyễn Kim Hiệp, cho rằng chính các Ban bầu cử mới là tổ chức xác định kết quả bầu cử. Với vai trò quan trọng như vậy, đòi hỏi các thành viên của các Ban bầu cử phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức mình để trong quá trình thực hiện đảm bảo đúng pháp luật. Ông Nguyễn Kim Hiệp cho biết, theo Luật bầu cử Quốc hội thì Ban bầu cử có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của các Tổ bầu cử; kiểm tra, đôn đốc bố trí các phòng bỏ phiếu; việc thành lập và niêm yết danh sách cử tri...Theo quy định, Tổ bầu cử thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu (trong một cụm dân cư, một ấp, khu phố, đơn vị lực lượng vũ trang). Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ bầu cử là tổ chức việc bầu cử trong khu vực bỏ phiếu, phát thẻ cử tri, bố trí phòng phiếu, hòm phiếu... Để tổ bầu cử hoạt động có hiệu quả, theo quy định chậm nhất là năm ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử phải phân phối thẻ cử tri, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử. Trong quá trình diễn ra bầu cử, Ban bầu cử phải cử các tổ công tác xuống kiểm tra công việc bầu cử tại các thùng phiếu. Song, nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và có tính quyết định của các Ban bầu cử là phải thực hiện nhiệm vụ nhận và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu do các Tổ bầu cử gửi đến, làm biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử để gửi đến Ủy ban bầu cử và thông báo kết quả đó. Ông Nguyễn Kim Hiệp, cho biết: "Ủy ban bầu cử nhiều lần nhắc nhở các thành viên các Ban bầu cử là, kết quả bầu cử do chính các Ban bầu cử xác định (lập biên bản kết quả và thông báo kết quả bầu cử) nên đòi hỏi hoạt động phải tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định pháp luật về bầu cử, phải khách quan, vô tư, đảm bảo làm đúng chức năng, nhiệm vụ của bản thân được giao phó". Một nhiệm vụ quan trọng khác là Ban bầu cử phải tiếp nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử các khiếu nại, tố cáo của cử tri về người ứng cử đồng thời có trách nhiệm xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác của Tổ bầu cử...
Muốn làm được điều này, theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Huỳnh Chí Thắng, ngay sau khi được thành lập các Ban bầu cử phải xây dựng quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác được giao theo luật định.
Phong Vũ