Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ Giáo dục - đào tạo sơ kết 1 năm thực hiện đổi mới giáo dục trung học phổ thông: Phân ban đại trà dự báo làm giảm tỉ lệ học sinh chọn con đường thi vào đại học

11:07, 20/07/2007

(ĐN) - Trong hai ngày 20 và 21-7, tại TP.Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng đã chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện đổi mới giáo dục THPT. Gần 400 đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục phổ thông thuộc Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT của 8 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và Trung Trung bộ đã tham dự.

(ĐN) - Trong hai ngày 20 và 21-7, tại TP.Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng đã chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện đổi mới giáo dục THPT. Gần 400 đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục phổ thông thuộc Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT của 8 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và Trung Trung bộ đã tham dự.

Năm học 2006-2007, Bộ GD-ĐT triển khai việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho đồng loạt 2.352 trường THPT (gồm 1.725 trường công lập và 627 trường ngoài công lập) sau 3 năm thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, thành. Qua 1 năm thực hiện, 64/64 tỉnh, thành đều bố trí đủ các ban với các hình thức phân hóa theo khối thi tuyển sinh đại học. Trong đó, ban khoa học tự nhiên chiếm 19,77%, ban KHXH-NV chiếm 6,47%, và ban cơ bản chiếm 73,6%. Bộ cho rằng kết quả phân ban đã phản ánh nhu cầu học tập phân hóa từ định hướng phát triển nghề nghiệp khác nhau theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện cụ thể của học sinh. Tính chung cả 3 ban, tỉ lệ học sinh chọn học nâng cao theo hướng khoa học tự nhiên  chiếm tỉ lệ 42,4%, hướng KHXH-NV chiếm 24,4%. Đáng chú ý, tỉ lệ 33,2% học sinh còn lại thể hiện không có định hướng rõ rệt chuẩn bị tham dự tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, phân ban đại trà có tác dụng chủ động phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, dự báo sẽ làm giảm tỉ lệ học sinh chọn con đường thi vào đại học.

Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, dư luận, phụ huynh, học sinh đồng thuận với chủ trương thực hiện đổi mới; sách giáo khoa, chương trình được đánh giá cao. Song, việc triển khai còn lúng túng, sách giáo khoa thiếu, thiết bị chậm, chưa đồng bộ, chương trình mới, thời gian chuẩn bị chưa chu đáo... đã đẩy các trường vào thế khó khăn,  phần nào hạn chế hiệu quả của chương trình. 

Viện Chiến lược và nghiên cứu giáo dục cũng đưa ra kết quả đánh giá tình hình phân ban THPT trong năm đầu tiên. Theo đó, kết quả khảo sát 12 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) trên các đối tượng hiệu trưởng, giáo viên, học sinh cho thấy, chủ trương phân ban và phương án phân ban phù hợp thực tiễn nhà trường và năng lực, nguyện vọng học sinh. Nhu cầu phân hóa của học sinh là có thật, phù hợp với năng lưc của học sinh. Tuy nhiên, bước đầu đã có học sinh còn nhầm ban, chưa thích ứng phương pháp học tập chủ động, một bộ phận giáo viên còn thiếu kỹ năng kiểm tra đánh giá kết quả học tập học sinh...

 Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng cho rằng, năm đầu tiên thực hiện dạy học theo chương trình và sách giáo khoa phân ban, mặc dù còn một vài bất cập nhưng bước đầu đã ổn định, đi vào thực tiễn và cơ bản được thực tiễn chấp nhận.

Hôm nay 21-7, hội nghị tiếp tục chia tổ thảo luận các chủ đề về tổ chức các ban, thực hiện dạy học phân hóa và thực trạng các điều kiện thực hiện dạy học theo chương trình sách giáo khoa phân ban... để Bộ tiếp tục có những cải tiến và điều chỉnh để chương trình được triển khai tốt hơn trong những năm tiếp theo.

Thu Trang

Tin xem nhiều