Có khá nhiều bài học về xây dựng thương hiệu đối với hàng Việt Nam sau khi gia nhập WTO, trong đó có cả những mặt hàng xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới...
Có khá nhiều bài học về xây dựng thương hiệu đối với hàng Việt Nam sau khi gia nhập WTO, trong đó có cả những mặt hàng xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới.
ADVERTISEMENT
Câu chuyện thứ nhất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vươn lên đứng hàng nhất nhì thế giới (năm 2009 xuất khẩu 6 triệu tấn). Thế nhưng, giá gạo Việt Nam thường bán thấp hơn giá gạo Thái Lan khoảng 100 USD/tấn, vì gạo Thái Lan đã tạo ra được thương hiệu ra thế giới. Tính nhẩm, mỗi năm gạo Việt Nam xuất khẩu bị thua thiệt về giá lên tới 60 triệu USD! Một con số rất lớn trong bối cảnh nông dân trồng lúa còn nghèo khó. Theo Richard Moore, một chuyên gia hàng đầu về thương hiệu của Mỹ, thì: "Những nhà kinh doanh lúa gạo Việt Nam chưa quan tâm đến tâm lý, thái độ của người tiêu dùng. Họ nghĩ rằng gạo là hàng hóa thông thường, khi cần thì người khác buộc phải mua, chứ không cần quảng cáo, tiếp thị" (Tuổi trẻ cuối tuần 6-12-2009).
Câu chuyện thứ hai, cả nước ta hiện có khoảng 450 ngàn hécta điều. Năm 2009, sản lượng nhân điều xuất khẩu đạt 177 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 850 triệu USD. 4 năm liền (2006, 2007, 2008 và 2009) Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng nhân điều xuất khẩu. Theo dự báo, năm 2010 có khả năng kim ngạch xuất khẩu điều đạt 1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu điều hiện nay của nước ta là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và một số nước khác". Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, nhìn nhận: "Sản phẩm điều Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nên không thể quyết định giá bán mà phải lệ thuộc vào giá của thương nhân nước ngoài". Sắp tới, vào tháng 3-2010, tại tỉnh Bình Phước sẽ diễn ra Festival "Quả điều vàng Việt Nam" nhằm quảng bá thương hiệu, tăng hình ảnh về sản phẩm chế biến từ hạt điều và cho cả ngành điều Việt Nam ra thế giới.
ADVERTISEMENT
Thương hiệu làm gia tăng giá trị cho hàng Việt không chỉ ở thị trường nội địa mà ngay cả đối với hàng xuất khẩu. Đứng trước khối lượng hàng hóa đồ sộ, người tiêu dùng trong và ngoài nước làm sao có thể nhận diện hoặc phân biệt đặc trưng của sản phẩm này với sản phẩm cùng loại khác nếu như không phải là thương hiệu?
Trước khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã đưa ra khuyến cáo "Hàng Việt Nam phải chú trọng đến xây dựng thương hiệu, bởi uy tín của thương hiệu sản phẩm sẽ quyết định đến giá bán. Hội nhập toàn cầu, điều quan trọng không phải bán cái gì mà là bán với giá như thế nào!".
Quả thật, trong một thị trường hàng hóa thế giới ngày càng dồi dào và cạnh tranh gay gắt thì sản phẩm có thương hiệu là cách tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất với giá cả tốt nhất.
Xuân Phú