(ĐN)- Ngày 4-3, MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn nội dung, cách tiến hành giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
(ĐN)- Ngày 4-3, MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn nội dung, cách tiến hành giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Các đại biểu thảo luận về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được phân bổ tại cơ quan, đơn vị mình |
* “Châm chước” cơ cấu được không?
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Xuân Chiến, kết quả hiệp thương lần thứ nhất bầu đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã thông qua cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử. Trong đó, số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 81 đại biểu; số đại biểu được giới thiệu ứng cử là 135 đại biểu; số dư giới thiệu đảm bảo mỗi đơn vị là 2 người. Thành phần đại biểu gồm: nữ là 45/135 đại biểu (tỷ lệ 33,33%); ngoài Đảng: 22/135 đại biểu (tỷ lệ 16,30%); trẻ tuổi: 20/135 đại biểu (tỷ lệ 14,81%); trí thức: 135/135 đại biểu (tỷ lệ 100%); dân tộc: 4/135 đại biểu (tỷ lệ 2,96%) và tôn giáo: 2/135 đại biểu (tỷ lệ 1,48%).
Theo cơ cấu này, việc giới thiệu đại biểu ở các tổ chức xã hội nghề nghiệp đòi hỏi phải là nữ, tuổi dưới 35 tuổi, ngoài Đảng. Đây là một khó khăn không nhỏ cho các đơn vị khi tìm người ứng cử. Ông Nguyễn Cảnh, Chủ tịch Hội Xây dựng cho hay, Hội Xây dựng được phân bổ giới thiệu 2 đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Tuy nhiên, cơ cấu yêu cầu phải là lãnh đạo quản lý, nữ, tuổi dưới 35, ngoài Đảng là rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên xem xét, châm chước một số tiêu chuẩn để dễ tìm người.
Giải đáp những thắc mắc này, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Nguyễn Kim Hiệp cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Đồng Nai đưa ra thành phần, cơ cấu, số lượng đại biểu như trên. “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu có quy định rất cụ thể về tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu trẻ, đại biểu ngoài Đảng với mục tiêu cơ cấu đại biểu có nhiều thành phần, từ các tổ chức Đảng, Nhà nước đến các hội nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc... Đồng Nai dựa trên quyết định này để phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị, do đó các đơn vị cần bám sát phân bổ này để tìm nguồn. Nếu như trong thành phần lãnh đạo quản lý, ban chấp hành các hội không có nguồn, thì có thể mở rộng hơn để đạt được tiêu chuẩn theo quy định” - ông Hiệp nói.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Nội vụ, khi chọn người ra ứng cử, các đơn vị cần đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, cơ cấu. “Cơ cấu này còn có thể điều chỉnh nếu các đơn vị gặp quá nhiều khó khăn trong việc lựa chọn người ứng cử”- ông Hiệp khẳng định
* Thủ tục giới thiệu người ra ứng cử ra sao?
Hướng dẫn nội dung, cách tiến hành giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban tổ chức tuyên huấn (Ủy ban MTTQ tỉnh) cho hay, kỳ bầu cử lần này có 3 lần tổ chức hiệp thương với 5 bước quan trọng. Theo đó, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử từ ngày 4 đến 20-3 phải hoàn thành các thủ tục giới thiệu người ra ứng cử. “Trước hết, lãnh đạo các tổ chức, đơn vị họp để giới thiệu con người dựa trên quy hoạch ở cơ quan mình. Sau đó tổ chức họp toàn thể cơ quan để lấy phiếu tín nhiệm đối với người ra ứng cử. Nơi nào có dưới 100 cử tri thì bắt buộc phải tổ chức họp và yêu cầu phải có ít nhất 2/3 cử tri tham gia. Nơi nào có hơn 100 cử tri thì không nhất thiết phải tham gia họp hết mà chỉ cần 70 cử tri có mặt trong cuộc họp là đạt yêu cầu. Sau bước lấy tín nhiệm, tổ chức, cơ quan, đơn vị sẽ họp ban lãnh đạo mở rộng để chính thức giới thiệu người của cơ quan mình ra ứng cử. Người được giới thiệu ứng cử hoàn thành hồ sơ ứng cử” - ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Hội Xây dựng Nguyễn Cảnh về trường hợp người được giới thiệu ứng cử làm việc tại Đồng Nai nhưng có hộ khẩu thường trú tại tỉnh khác thì có đúng yêu cầu không, ông Dũng cho hay, Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND không cấm điều này. “Cơ quan có người ra ứng cử tổ chức các cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm và giới thiệu người ra ứng cử. MTTQ tỉnh sẽ có trách nhiệm làm việc với địa phương nơi người được giới thiệu ứng cử cư trú”.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc lưu ý: tất cả các biểu mẫu họp, đơn ứng cử... của đơn vị, tổ chức và bản thân người được giới thiệu ứng cử có thể đánh máy. Bên cạnh đó, nghĩa vụ của người được giới thiệu ứng cử là phải kê khai tài sản theo đúng quy định.
Nguyễn Phượng