Ngày 25-3, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ II để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 25-3, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ II để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Các đồng chí: Trần Minh Phúc, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Trần Minh Thấu, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Huỳnh Chí Thắng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh cùng đại diện lãnh đạo của các tổ chức thành viên MTTQ tỉnh đã đến dự.
Báo cáo của Ban thường trực MTTQ tỉnh cho biết, đúng thời gian mà Luật bầu cử đại biểu HĐND quy định (17 giờ ngày 23-3), MTTQ tỉnh đã nhận được đầy đủ hồ sơ, thủ tục của 80 cơ quan, đơn vị, tổ chức có người giới thiệu ứng cử gửi đến. Tiếp đó, ngày 24-3, Ủy ban bầu cử tỉnh đã chuyển tiểu sử tóm tắt, danh sách trích ngang của 134 người được các tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu ra ứng cử và 2 người tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 đến Ban thường trực MTTQ tỉnh. Hầu hết các trường hợp đều đạt yêu cầu phân bổ về cơ cấu, thành phần...
Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Huỳnh Chí Thắng trao tiểu sử tóm tắt, danh sách trích ngang của người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh cho Ban thường trực MTTQ tỉnh ngày 24-3. (Ảnh: N.Phượng ) |
* Trình độ người ứng cử khá đồng đều
Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, trong số 136 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 có 49 đại biểu là nữ (tỷ lệ đạt 36,03%). “So với hiệp thương lần thứ I, tỷ lệ dự kiến là 33,33%. Như vậy, số đại biểu nữ giới thiệu ứng cử vượt so với dự kiến ban đầu” - ông Ngôn nhấn mạnh.
Cũng về thành phần đại biểu, có 22/136 người ứng cử là người ngoài Đảng (tỷ lệ 16,2%); trẻ tuổi: 21/136 đại biểu, tỷ lệ 15,4% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 14,8%); trí thức 135/136 đại biểu, tỷ lệ 99,26% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 100%); dân tộc, tôn giáo: 5/136 đại biểu, tỷ lệ 3,7% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 4,44%); đại biểu tái cử: 23/136, tỷ lệ 17%.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh thì nhìn vào trình độ của 136 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh lần này, dễ nhận thấy là có sự tham gia đông đảo của đội ngũ trí thức. “Chỉ có 1/136 đại biểu ứng cử có trình độ học vấn THPT. Có 2 đại biểu trình độ TS, trên 40 đại biểu thạc sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa II, còn lại là người đã tốt nghiệp đại học hoặc trung cấp. Điều này cho chúng ta hy vọng vào một lớp đại biểu mới có trình độ, năng lực cao, đáp ứng được sự tin tưởng của cử tri” - bà Lan nói.
Về cơ cấu đại biểu, khối Đảng có 5/136 đại biểu, tỷ lệ 3,68% (so với hiệp thương lần I dự kiến tỷ lệ là 3,70%); HĐND và các Ban HĐND: 11/136 đại biểu, tỷ lệ 8,09% (so với hiệp thương lần I dự kiến tỷ lệ là 8,15%); UBND tỉnh: 2/136 đại biểu, tỷ lệ 1,47% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 1,48%); MTTQ và các đoàn thể: 12/136 đại biểu, tỷ lệ 8,82% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 8,89%); các tổ chức xã hội, nghề nghiệp: 6/136 đại biểu, tỷ lệ 4,41% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 4,44%); các doanh nghiệp, hợp tác xã: 14/136 đại biểu, tỷ lệ 10,29% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 8,89%); lực lượng vũ trang: 2/136 đại biểu, tỷ lệ 1,47% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 1,48%); các đơn vị sự nghiệp: 18/136 đại biểu, tỷ lệ 13,23% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 13,33%); các sở, ban, ngành: 25/136 đại biểu, tỷ lệ 18,38% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 18,52%); dân tộc, tôn giáo: 5/136 đại biểu, tỷ lệ 3,67% (so với hiệp thương lần I dự kiến là 4,44%); các huyện, thị xã, thành phố: 36/136, tỷ lệ 26,47% (so với hiệp thương lần thứ I dự kiến là 26,67%)...
* Tín nhiệm cao
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Công Ngôn cho hay, tất cả những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao. Điều này thể hiện rõ ở việc 100% số người có mặt tham dự hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi người ứng cử công tác đều đồng ý, tán thành. Tổng số cử tri được triệu tập ở 80 đơn vị là 7.206 cử tri, tổng số cử tri có mặt là 6.409, đạt tỷ lệ gần 89%. Nơi có đông cử tri tham dự nhất là 200 người, nơi ít nhất có 4 cử tri tham dự. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thực hiện đúng quy trình hướng dẫn. Có 116 trường hợp hội nghị cử tri lấy biểu quyết bằng hình thức giơ tay, 18 trường hợp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tỷ lệ biểu quyết đa số đạt 100%.
Trong số 136 trường hợp ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu ứng cử trẻ nhất là 25 tuổi; đại biểu ứng cử cao tuổi nhất năm nay 69 tuổi.
Theo Ban thường trực MTTQ tỉnh, sau hội nghị hiệp thương lần thứ II (bước 3), từ ngày 29-3 đến 10-4 sẽ triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Riêng đối với trường hợp tự ứng cử, việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành song song, vừa ở nơi công tác vừa ở nơi cư trú.
Đây là bước 4 trong quá trình hiệp thương, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần được tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, dân chủ, đúng quy trình, đúng luật, kịp thời và có chất lượng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Thức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh thì dù luật có quy định nhưng sự xuất hiện của người được giới thiệu ứng cử tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng hội nghị. “Thực tế ở những lần bầu cử trước cho thấy, đã có những cử tri gặp tôi và phản ánh rằng, vì có sự góp mặt của người được ứng cử tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nên nhiều người ngại góp ý” - ông Thức nói.
Trả lời vấn đề này, đại diện Ban thường trực MTTQ Việt Nam cho biết, Luật bầu cử HĐND quy định rõ: Người được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử đại biểu HĐND cùng đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ dân phố có người ứng cử được mời tham gia hội nghị lấy ý kiến nơi công tác và cư trú. Do đó, sự có mặt của họ không làm ảnh hưởng đến kết quả hội nghị, bởi họ có quyền trình bày những vấn đề liên quan đến ý kiến cử tri phản ánh nếu ý kiến đó không đúng với thực tế.
Nguyễn Phượng