Ngày 8-4, tại hội trường UBND tỉnh đã diễn ra kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII. Đây là kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ hoạt động (2004-2011) của HĐND và UBND tỉnh.
Ngày 8-4, tại hội trường UBND tỉnh đã diễn ra kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII. Đây là kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ hoạt động (2004-2011) của HĐND và UBND tỉnh. Các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội; Phan Xuân Dũng, Ủy viên TW Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội; Trần Đình Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Võ Văn Một, Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự.
>>> Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì cho HĐND tỉnh Đồng Nai
>>> Nhiều kinh nghiệm quý từ Đồng Nai
Phát biểu khai mạc tại kỳ họp, đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 22 là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2004-2011 với nội dung trọng tâm là thảo luận, xem xét các báo cáo cả nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Đây là dịp để đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được trong suốt nhiệm kỳ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động trong nhiệm kỳ 2011-2016.
* Đã đáp ứng được yêu cầu phát triển
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Chí Thắng trong phần báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2004-2011 đặc biệt nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương; góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Nhiệm kỳ khóa VII, HĐND tỉnh ban hành 205 Nghị quyết, gồm: 94 Nghị quyết chuyên đề, 23 Nghị quyết về công tác nhân sự và 88 Nghị quyết thường kỳ phục vụ cho công tác tổ chức bộ máy và quản lý, điều hành ở địa phương. “Đến thời điểm này vẫn còn đến 58 Nghị quyết còn hiệu lực thi hành mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh nhà có nhiều biến động. Điều này chứng tỏ các Nghị quyết mà HĐND tỉnh ban hành đã thể hiện được sức sống, tầm nhìn và khả năng thực hiện hóa các vấn đề của địa phương” - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Chí Thắng nhấn mạnh.
Một trong hoạt động hiệu quả của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 chính là hoạt động giám sát. Đại biểu Trương Văn Vở (TP. Biên Hòa) cho rằng, với 100 cuộc giám sát/năm là rất nhiều. Điều này cho thấy phạm vi giám sát rộng, công tác phối hợp giám sát tốt và kết quả là đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Ông Vở nói: “Cụ thể như trong công tác phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, nếu không có sự phối hợp với cấp huyện thì khó có thể giải quyết được số lượng đơn thư lớn hàng năm. Bên cạnh đó, ở mỗi kỳ họp, việc quan tâm đến tiến độ thực hiện lời hứa của các sở, ngành đối với cử tri đã thể hiện trách nhiệm mà HĐND, đại biểu HĐND hứa trước người dân”.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Toàn (Xuân Lộc) tâm đắc: “Đại biểu HĐND tỉnh luôn thể hiện ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ của mình. Việc tiếp xúc cử tri cũng khá toàn diện nên không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Bên cạnh đó, công tác giám sát theo chuyên đề đã tránh được tình trạng giám sát trùng lắp giữa tỉnh và huyện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”. Còn theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Kim Liên, nhờ có sự phối hợp tốt nên từ năm 2004 đến nay, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân đã có bước chuyển biến quan trọng, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân. “Ủy ban MTTQ tỉnh đã nhận được 680 đơn thư khiếu nại tố cáo chủ yếu về bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng... Việc phối hợp trong giải quyết đơn thư đã hạn chế được việc phải đưa đơn thư đến chính quyền xã, phường, thị trấn và cấp trên để giải quyết” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Kim Liên nói.
* Để tiếp tục nâng cao chất lượng
Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp cho biết, hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ qua đã có đổi mới theo hướng mở rộng dân chủ, huy động được sự tham gia của cử tri và nhân dân, HĐND tỉnh đã linh động, cân nhắc thận trọng trong việc quyết định các vấn đề của địa phương. Chính vì thế, vai trò của HĐND ngày càng được nâng lên. “Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới thì một số hoạt động của HĐND tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là hoạt động giám sát ở một số lĩnh vực được cử tri quan tâm như môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân hay công tác lập, quản lý quy hoạch còn bất cập, tiến độ thi công một số công trình xây dựng cơ bản chậm...”- đồng chí Trần Đình Thành nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một cũng thẳng thắn nhìn nhận: Công tác chỉ đạo, điều hành giữa UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã, phường, thị trấn khi kiểm tra, giải quyết một số vụ phát sinh trên địa bàn chưa kiên quyết, chặt chẽ dẫn đến việc xử lý còn chậm. Do đó, trong thời gian tới, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được chấn chỉnh.
Đại biểu Lê Văn Hùng (Trảng Bom) cũng cho rằng, HĐND tỉnh dù đã vượt qua nhiều thách thức nhưng vẫn còn không ít những khó khăn đang ở phía trước. Khó khăn ấy trước mắt là việc còn để xảy ra một số vụ việc gây bức xúc trong dân, xử lý kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông Hùng nói: “Cụ thể như công tác đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, thời gian thực hiện kéo dài. Dân bức xúc và điều này có một phần lỗi thuộc về cán bộ chúng ta còn chưa làm tròn trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tốt nhưng có lúc có nơi vẫn chưa đồng bộ”.
Cũng theo ông Hùng, để hoạt động của HĐND thực sự đổi mới và có chất lượng, cần thiết phải chọn được những đại biểu HĐND đủ tiêu chuẩn, có đức, có tài. “Đó phải là những đại biểu có bản lĩnh và chấp nhận va chạm vì cái chung, vì lợi ích của nhân dân” - ông Hùng khẳng định.
Nguyễn Phượng