Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển mùa, gia tăng nhiều loại dịch bệnh

11:05, 04/05/2011

Dù đã có những cơn mưa sớm, nhưng thời tiết vào những ngày đầu tháng 5 vẫn khá khó chịu. Sự thay đổi thời tiết này đã và đang là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh bùng phát mà đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là người già và trẻ em.

Dù đã có những cơn mưa sớm, nhưng thời tiết vào những ngày đầu tháng 5 vẫn khá khó chịu. Sự thay đổi thời tiết này đã và đang là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh bùng phát mà đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là người già và trẻ em.

ADVERTISEMENT

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV nhi đồng ĐN) xử lý một ca sốt xuất huyết có biến chứng viêm não. Ảnh: P. Liễu

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 869 trường hợp bị sốt xuất huyết (SXH), cao hơn 50% so với cùng kỳ, trong đó có 1 ca tử vong. Bác sĩ Võ Xuân Liễu, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng cho biết, thời điểm này dù chưa phải là mùa cao điểm của dịch bệnh (thường từ tháng 6 đến 8, thậm chí kéo dài sang tháng 9 và 10), nhưng số ca mắc SXH vẫn đang tăng nhanh. Theo dự báo của Trung tâm y tế dự phòng, năm nay nguy cơ bệnh SXH sẽ tiếp tục bùng phát mạnh vào những tháng cao điểm.

Bên cạnh dịch bệnh SXH, bác sĩ Liễu cũng cảnh báo sự trở lại của bệnh sốt rét. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 265 ca sốt rét, trong đó có 154 ca sốt rét lâm sàng và 111 ca có ký sinh trùng sốt rét. Dù chưa xuất hiện trường hợp tử vong, nhưng sự quay trở lại của bệnh sốt rét khiến ngành y tế lo lắng vì một thời gian dài, bệnh sốt rét gần như đã được khống chế.

Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đang tiếp tục phát tán trong cộng đồng và có nguy cơ lan rộng. Đặc biệt, nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang tấn công trẻ em. Thống kê của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho thấy, có ngày lượng bệnh nhi khám ngoại trú tại đây lên đến 2.500 lượt/ngày và số bệnh nhi điều trị nội trú từ 700-800 bệnh. Các bệnh về đường hô hấp, bệnh tay chân miệng, viêm màng não, bệnh tiêu hóa và viêm nhiễm... là những bệnh dễ gặp nhất. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện những ca mắc rubella, tay chân miệng, SXH... kèm biến chứng phức tạp như viêm não, suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong.

Trước diễn biến bất thường của nhiều dịch bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng ngừa. Đối với một số bệnh dịch chưa có vaccine như SXH, việc phòng ngừa bằng vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát hiện dấu hiệu bệnh sớm như sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể... sẽ cho hiệu quả phòng và trị bệnh cao. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) cũng cho rằng, trong thời gian này, không chỉ trẻ em mà cả người già cũng cần nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất để tăng cường sức khỏe.

PHƯƠNG LIỄU

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT