(ĐN)- Sáng 17-8, các thành viên của nhóm đối thoại Việt - Mỹ đã đến thăm Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam huyện Định Quán.
(ĐN)- Sáng 17-8, các thành viên của nhóm đối thoại Việt - Mỹ đã đến thăm Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam huyện Định Quán.
Đây là trung tâm mới được khánh thành, dự kiến sẽ nhận và chăm sóc cho 50 nạn nhân chất độc da cam bán trú và 10 nạn nhân nội trú. Song song đó, trung tâm còn mở nhiều lớp học và đào tạo nghề cho các nạn nhân còn khả năng lao động để họ có thêm nguồn thu nhập và vươn lên trong cuộc sống. GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, trước mắt, nhóm đối thoại Việt - Mỹ sẽ tìm nguồn kinh phí hỗ trợ lắp 1 máy siêu âm 2 chiều đặt tại trung tâm để tư vấn sức khỏe sinh sản cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị trung tâm tuyển thêm những cán bộ chuyên môn hoặc cử người đi học về phục hồi chức năng để tạo điều kiện cho việc chăm sóc sức khỏe các nạn nhân da cam. Nhóm cũng sẽ trang bị cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh 1 máy siêu âm 4 chiều để kịp thời phát hiện và tư vấn, hỗ trợ cho những bà mẹ mang thai bị nhiễm chất độc da cam.
Chiều cùng ngày, nhóm đối thoại Việt-Mỹ do ông Vũ Hải Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Dịp này, ông Vũ Hải Hà đã trao 700 triệu đồng cho Hội, trong đó, Công ty cổ phần nông nghiệp dinh dưỡng quốc tế Anco tặng 500 triệu đồng, Công ty TNHH VMEP tặng 100 triệu đồng và nhóm đối thoại Việt - Mỹ ủng hộ 100 triệu đồng.
* Trước đó, vào ngày 16-8, ba thành viên đều là những nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Ban vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ, gồm các ông, bà: Heather Morris Bowser (Mỹ), Kelly Porter Franklin (Canada) và Kim Sung Chan (Hàn Quốc) đã đến Đồng Nai để tìm hiểu về tác hại của chất độc da cam/dionxin lên cộng đồng và môi trường sống. Đoàn đã thực tế tại sân bay Biên Hòa - 1 trong 3 căn cứ quân sự chứa và phun rải chất độc dioxin tại miền Nam trước năm 1975.
Các thành viên cho biết, ngoài việc sẽ vận động hỗ trợ đời sống cho nạn nhân da cam tại Đồng Nai, Ban vận động sẽ tích cực tuyên truyền để giúp thế giới hiểu hơn về tác hại của chất độc này lên con người, môi trường và chung tay cùng nạn nhân da cam Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi công lý.