Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay do thời tiết mưa nhiều nên nhiều diện tích lúa mùa bị nhiễm bệnh đốm vằn và đạo ôn cổ bông.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay do thời tiết mưa nhiều nên nhiều diện tích lúa mùa bị nhiễm bệnh đốm vằn và đạo ôn cổ bông. Theo thống kê, đến thời điểm này, trên cây lúa có hơn 400 hécta nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, tăng 297 hécta so với tháng trước; bệnh đốm vằn nhiễm 385 hécta, tăng 198 hécta so với tháng trước; rầy nâu nhiễm 377 hécta với mật số trung bình 750 - 1000 con/m2. Ngoài ra đã có gần 800 hécta bắp vụ mùa đang ở thời kỳ cây con bị bệnh đốm lá với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 15-30% cũng do mưa nhiều, tạo độ ẩm cao. Bệnh này thường phát sinh ở giai đoạn cây bắp còn nhỏ và gây hại kéo dài đến khi thu hoạch.
Trước tình hình trên, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo: khi xuống giống bà con cần đảm bảo thời gian cách ly với vụ trước 20 ngày, bón vôi để hạn chế phèn, ngộ độc hữu cơ, rầy nâu, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lưu vụ. Thực hiện tốt mô hình 3 giảm 3 tăng, gieo sạ thưa (dưới 12kg/1000m2), phòng trừ cỏ và ốc bươu vàng tốt, bón lót phân hữu cơ vi lượng, phân lân và phân kali hoặc thúc sớm (7-10 ngày sau gieo), bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa để lúa sinh trưởng phát triển tốt tăng sức đề kháng sâu bệnh trong mùa mưa; theo dõi rầy nâu và phun trừ theo nguyên tắc 4 đúng. Đối với rầy di trú cần kiểm tra rầy thường xuyên trên đồng ruộng và bẫy đèn để phòng trừ rầy kịp thời. Những ruộng bị nhiễm rầy di trú và nguồn rầy trên đồng còn mang vi rút, cần thăm đồng phát hiện sớm bệnh vàng lùn, chôn vùi tiêu hủy ngay và phun thuốc trừ rầy để hạn chế bệnh lây lan.