(ĐN) - Ngày 28-11, tại Hà Nội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để triển khai Nghị quyết số 271 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH).
(ĐN) - Ngày 28-11, tại Hà Nội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để triển khai Nghị quyết số 271 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH).
Theo Nghị quyết 271 của Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII, ban hành ngày 1-11-2011, QH sẽ tiến hành đổi mới nhiều hoạt động, trong đó có đổi mới tổ chức các phiên họp của Ủy ban thường vụ QH, hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), công tác cung cấp thông tin phục vụ ĐBQH, chế độ tài chính… Điểm đáng chú ý trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH thể hiện ở Nghị quyết 271 này là ngoài các dự án, báo cáo, tờ trình... cơ quan thẩm tra sẽ phải chuẩn bị báo cáo tóm tắt từ 5 - 7 trang để rút ngắn tối đa thời gian trình bày tại hội trường xuống chỉ còn khoảng 15 - 20 phút.
Ông Trương Văn Vở phát biểu tại hội nghị trực tuyến do Văn phòng Quốc hội tổ chức. Ảnh: C. Nghĩa |
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở đề nghị, trước mỗi kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH cần tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo để thảo luận rõ những vấn đề nổi lên liên quan tới các nội dung của kỳ họp. Hình thức tọa đàm, hội thảo không nhất thiết phải tổ chức tại một điểm, mà nên áp dụng hình thức trực tuyến nhằm tiết kiệm kinh phí. Bên cạnh đó, cần cung cấp tài liệu trước kỳ họp sớm cho ĐBHQ có thời gian nghiên cứu để khi vào kỳ họp, có sự đối thoại, tranh luận nhằm tìm được tiếng nói thống nhất, đồng thuận cao.
Riêng về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, ông Trương Văn Vở cho rằng, chất vấn phải có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vấn đề. Chất vấn không phải chỉ hỏi để biết, không chỉ là làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu mà ĐBQH còn phải “hiến kế” cho Chính phủ. Vai trò giám sát của Ủy ban các vấn đề của QH cũng cần thể hiện rõ nét hơn trong việc giúp QH nắm chắc từng vấn đề đã làm tốt, vấn đề nào chưa làm tốt để cử tri biết, người đứng đầu chịu trách nhiệm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo điều hành.
Tại hội nghị, nhiều đoàn ĐBQH trong cả nước cũng đã kiến nghị Văn phòng QH cần sớm sửa đổi quy định về chế độ cho ĐBQH nhằm đảm bảo công bằng và hợp lý giữa đại biểu chuyên trách trung ương và địa phương.