Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT vừa giao Dự án phát triển giáo dục THCS II phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thiết kế phần mềm bản đồ di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT vừa giao Dự án phát triển giáo dục THCS II phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thiết kế phần mềm bản đồ di tích lịch sử cấp quốc gia.
Với bản đồ này, học sinh sẽ được biết cụ thể thông tin về di tích như: tên di tích, loại công trình, loại di tích, thời điểm được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, địa chỉ di tích. Đặc biệt, ngoài hình ảnh về di tích, học sinh sẽ được xem cả những hình ảnh học sinh các trường đang chăm sóc di tích.
TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cho biết: Trên thế giới, hình thức bản đồ di tích lịch sử khá phổ biến và là công cụ hữu hiệu để người dân tìm hiểu lịch sử một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Hiện nay là thời đại của Internet, đa số các bạn trẻ dành hàng giờ để truy cập vào các trang web. Bản đồ di tích lịch sử dành cho học sinh nếu được hoàn thiện tốt sẽ rất có lợi cho công tác dạy và học sử trong trường phổ thông, nâng cao hơn nữa sự say mê đối với lịch sử - một môn học mà nhiều học sinh còn thờ ơ.
Phần mềm bản đồ di tích lịch sử cấp quốc gia là một trong những hoạt động nhằm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, giai đoạn 2008-2013 với mục tiêu hỗ trợ hoạt động chăm sóc, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa và hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Với bản đồ này, học sinh sẽ dễ dàng tra cứu và tìm hiểu thông tin về các vùng miền dựa trên nguồn thông tin được cung cấp từ chính các trường THCS trong cả nước. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang đề nghị trước ngày 5-3, các trường THCS nộp danh sách di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn trường đóng trụ sở.
P.V