Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư mới quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 1/11/2013.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư mới quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 1/11/2013.
Cụ thể, Thông tư số 127/2013/TT-BTC được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ký ban hành ngày 6/9/2013, có hiệu lực ngày 1/11/2013, thay thế Thông tư số 212/2010/TT-BTC ngày 21/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Ảnh minh họa |
Theo đó, mức thu lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số với ô tô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách ở khu vực 1 từ 2 - 20 triệu đồng/lần/xe, khu vực 2 là 1 triệu đồng và khu vực 3 là 200 nghìn đồng.
Mức lệ phí cấp đăng ký và biển số với xe máy tính theo giá tính lệ phí trước bạ, cụ thể xe máy trị giá dưới 15 triệu đồng thì thu từ 500 nghìn -1 triệu đồng/lần/xe ở khu vực 1, thu 200 nghìn đồng ở khu vực 2; xe từ 15 - 40 triệu đồng thu 1-2 triệu đồng khu vực 1; 400 nghìn đồng khu vực 2; xe trên 40 triệu đồng thu 2 - 4 triệu đồng khu vực 1; 800 nghìn đồng khu vực 2. Riêng xe máy ở khu vực 3 và xe máy 3 bánh chuyên dùng cho người tàn tật ở cả 3 khu vực thống nhất một mức thu 50 nghìn đồng.
Lệ phí cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký với xe ô tô, xe máy áp dụng chung cho cả 3 khu vực, dao động từ 30 -150 nghìn đồng. Riêng xe di chuyển từ khu vực có mức thu thấp về khu vực có mức thu cao thì áp dụng như quy định cấp lần đầu nói trên.
Phí đăng ký biển số tạm thời như chiếc siêu xe Audi R8 này giảm chỉ còn 50 nghìn đồng, thấp hơn nhiều quy định hiện hành. ảnh trithuc
Các mức thu nêu trên tương tự các mức thu hiện đang áp dụng theo Thông tư số 212/2010/TT-BTC. Điểm mới nhất trong biểu phí mới của Thông tư 127/2013/TT-BTC là quy định mức lệ phí cấp đăng ký và biển số tạm thời áp dụng chung với tất cả các loại ô tô và xe máy cả ở 3 khu vực là 50 nghìn đồng, thấp hơn rất nhiều quy định hiện hành đang áp dụng mức thu tương tự với xe cấp biển thông thường (không phải biển tạm).
Thông tư 127 cũng quy định căn cứ vào mức thu mới, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ban hành mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Một điểm mới khác của Thông tư 127 là đối với xe ô tô được phép đăng ký tại Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt áp dụng mức thu tại Khu vực 1, riêng cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số áp dụng theo mức tối thiểu của khu vực 1.
Đặc biệt, số tiền lệ phí thu được theo quy định tại Thông tư này, tuỳ theo số thu nhiều hay ít mà định kỳ hàng ngày hoặc một tuần một lần, cơ quan Công an phải gửi vào tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí” mở tại Kho bạc nhà nước nơi đóng trụ sở chính. Toàn bộ số tiền lệ phí thu được, sau khi trừ số tiền mua biển số theo mức giá của Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ (giá thực tế ghi trên hoá đơn bán hàng do Bộ Tài chính phát hành), số tiền còn lại, Cơ quan thu lệ phí nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Các khoản chi phí liên quan đến công tác cấp đăng ký xe và thu lệ phí được ngân sách nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.
Quy định mới này đã loại bỏ toàn bộ quy định tại Thông tư 212 đang áp dụng cho cơ quan công an được trích lại từ 10-35% số lệ phí thu được rồi mới nộp ngân sách.
Mức thu lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông: (nghìn đồng/lần/xe)
|
VnMedia