(ĐN) – Ngày 6-11, Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB-XH) đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Hỗ trợ xây dựng và thực hiện chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất"
(ĐN) – Ngày 6-11, Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB-XH) đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” (gọi tắt là “Chương trình hành động xóa bỏ lao động trẻ em”) tại Đồng Nai. Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) đến dự.
Đại biểu góp ý tại hội nghị |
Chương trình hành động xóa bỏ lao động trẻ em chính thức triển khai từ tháng 7-2011 tại 4 xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); Phú Ngọc và Phú Cường (huyện Định Quán) với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng do tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ.
Từ khi triển khai dự án, 800 lao động trẻ em được lập hồ sơ và đưa vào phần mềm giám sát, quản lý đối tượng hưởng lợi của dự án, trong đó hơn 600 em được hỗ trợ từ dự án bằng các hình thức như: hỗ trợ học phẩm, vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, học nghề…
Qua đó, nhận thức về lao động trẻ em và các vấn đề liên quan đến lao động trẻ em của trẻ em, gia đình, cộng đồng, nhà trường, các cơ quan, ban ngành… được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là trẻ em từ bỏ công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quay trở lại trường học, tham gia các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục kể cả các lớp học buổi tối và cam kết tham gia các lớp học nghề mặc dù phải sống xa gia đình…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hải Hữu đánh giá cao sự vào cuộc của các ngành, góp phần vào thực hiện thành công dự án. Tuy nhiên, dự án ILO đã hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kiến thức và công cụ để phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, vì vậy sau khi dự án kết thúc hy vọng các ngành, các cấp tiếp tục duy trì các hoạt động. Ông nhấn mạnh, cần phải tìm cho được mô hình nhằm đảm bảo đời sống hàng ngày của trẻ cũng như gia đình để các em không phải lao động nặng nhọc, yên tâm học văn hóa, học nghề…
Nga Sơn