Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp thấp nhiệt đới đã vào biển Đông và mạnh lên thành bão số 13

03:11, 05/11/2013

Vào lúc 13 giờ, ngày 5-11, áp thấp nhiệt đới đã đi vào biển Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam và có khả năng mạnh lên thành bão...

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng 5-11, áp thấp nhiệt đới đã đi vào phía Đông Nam biển Đông. Hồi 13 giờ, ngày 5-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Chùm ảnh và đường đi của cơn bão
Đường đi của cơn bão

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 6-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 7-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ sáng mai (6-11), vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều mai, khu vực các tỉnh nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra, hiện nay trên khu vực biển Thái Bình Dương một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Haiyan. Hồi 13 giờ có vị trí ở vào khoảng 6,5 độ Vĩ Bắc; 144,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Khoảng chiều và đêm 8-11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.

* Sáng 5-11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) cũng đã có Công điện số 86 gửi Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang; các tỉnh: Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Đắk Nông; các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Công Thương, NN-PTNT, Thông tin và Truyền thông về việc đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành cơn bão số 13, mưa lũ và cơn bão tiếp theo.

Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành thực hiện các nội dung như sau:

- Các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang thông báo và kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang ở trong khu vực nguy hiểm trên biển từ Vĩ tuyến 8 đến Vĩ tuyến 15 di chuyển, trú tránh an toàn; kể cả khu vực biển Tây (Cà Mau, Kiên Giang).

- Kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông và căn cứ tình hình thực tế chủ động thực hiện cấm biển trong ngày 6-11; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản;

- Tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình; rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông; hoàn thành trước 19h ngày 6-11-2013. Bên cạnh đó là chuẩn bị lực lượng để kiểm soát giao thông tại các khu vực đường có khả năng bị ngập, bến đò, đường ngầm để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn; Theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, cảnh báo cho dân cư sống ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp đối phó.

- Kiểm tra, vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho hạ du và công trình; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán nhân dân vùng hạ du.

- Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến của bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo đối phó; đưa các thông tin về hướng dẫn neo đậu tàu thuyền và chằng chống nhà cửa để nhân dân biết, chủ động thực hiện; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu;

- Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

P.V

Tin xem nhiều