Chiều 5-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chiều 5-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) phát biểu ý kiến |
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, phần lớn các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với những điểm mới sửa đổi lần này, cũng như việc tiếp thu, chỉnh sửa một cách nghiêm túc của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ý kiến đóng góp của nhân nhân cả nước.
* Tán thành có quy định riêng về Công đoàn
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc giữ Điều 10 quy định về Công đoàn như trong Dự thảo. Các ý kiến tán thành với việc quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Việc dự thảo quy định nội dung nói trên là sự kế thừa các Hiến pháp trước đây. Luật Công đoàn năm 2012 cũng quy định Công đoàn “tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”. Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung tại Đại hội lần thứ XI vừa qua) đã cụ thể hóa việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nhiệm vụ của tổ chức công đoàn các cấp…. cũng cần được hiến định, không nêu chung chung như Dự thảo.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, khẳng định vai trò của Công đoàn trong Hiến pháp chính là khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng và vị trí của tổ chức Công đoàn trong lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ khi có Đảng đến nay. Khẳng định vai trò của Công đoàn cũng là khẳng định vai trò của giai cấp công nhân trong tình hình mới. “Giữ Điều 10 của Hiến pháp về Công đoàn là cần thiết, nhằm củng cố bản chất giai cấp của Đảng và Nhà nước ta”- đại biểu Lâm nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) nêu ý kiến: Đề nghị giữ chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế của công đoàn trong Điều 10 của Hiến pháp. Ông cho rằng, nếu bỏ đi chức năng này mà chỉ có chức năng tham gia giám sát thôi thì chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tế hoạt động Công đoàn.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Hiến pháp năm 1992 đã quy định Công đoàn Việt Nam “tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế”. Luật Công đoàn năm 2012 cũng quy định Công đoàn “tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”. Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung tại Đại hội lần thứ XI vừa qua) đã cụ thể hóa việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn các cấp. “Do đó, để tiếp tục kế thừa các Hiến pháp trước đây, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý lại Điều 10 như dự thảo”- ông Phan Trung Lý khẳng định. |
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cho biết, có 5 lý do cần phải giữ lại Điều 10 về Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp:
Thứ nhất, cần phải kế thừa các bản Hiến pháp trước đây (Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992). Các bản Hiến pháp này đều có 1 điều riêng quy định về Công đoàn .
Thứ hai, việc có 1 điều về Công đoàn trong Hiến pháp của Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều nước trên thế giới, bản Hiến pháp của họ cũng có một điều riêng quy định về Công đoàn (chẳng hạn Hy Lạp, Nga, Pháp, Thụy Điển…).
Thứ 3, Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân. Việc có một điều về Công đoàn trong Hiến pháp sẽ khẳng định thêm bản chất giai cấp Công nhân của Đảng.
Thứ 4, trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, có rất nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại, phát triển, trong đó có kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Việc khẳng định vị trí của Công đoàn trong Hiến pháp là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Thứ 5, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh và đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy càng phải khẳng định vị trí của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân trong Hiến pháp.
[links(left)]*Quân đội mang bản chất của giai cấp công nhân
Liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đại biểu Nguyễn Sĩ Hội (Nghệ An) cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa hiến định chủ thể lực lượng vũ trang gồm lực lượng nào. Do đó, cần phải ghi rõ, lực lượng vũ trang nước Cộng hòa XHCN Việt Nam gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ.
Cũng liên quan đến chương IV về bảo vệ Tổ quốc, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Cạn) một lần nữa khẳng định, bất kỳ quân đội nào cũng phải mang bản chất giai cấp. Quân đội ta là quân đội do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đại biểu Bế Xuân Trường nói: “Hiện nay, có ý kiến cho rằng, quân đội phi giai cấp, tôi cho rằng, như thế là sai lầm. Không có quân đội nào là không trung thành với một giai cấp. Quân đội tư bản trung thành với giai cấp tư bản. Trong xã hội tư bản có nhiều Đảng nhưng Đảng cầm quyền thì sẽ quản lý, điều hành, lãnh đạo quân đội và như vậy, rõ ràng, đây là một nguyên lý bất di, bất dịch. Do vậy, quân đội phải trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”
Liên quan đến những vấn đề kinh tế, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, nếu ghi kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN thì sẽ gây khó hiểu đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nên ghi cụ thể là: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có định hướng và điều tiết của nhà nước. Tán thành với quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, song đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đề nghị phải ghi rõ, kinh tế nhà nước bao gồm: ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài sản quốc gia.
Cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị sửa khoản 3, điều 51 là: Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức và cá nhân được đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển đất nước.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ tiếp tục được thảo luận trong phiên họp sáng ngày 18-11 sau khi đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận hôm nay.
N.Phượng