Báo Đồng Nai điện tử
En

Di sản phải gắn kết với cộng đồng

03:11, 25/11/2013

(ĐN)- Chiều 25-11, Hội thảo khoa học quốc tế "Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình" đã chia thành 2 tiểu ban để thảo luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

(ĐN)- Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 25-11, Hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình” đã chia thành 2 tiểu ban để thảo luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm giữa các quốc gia về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

hội thảo
Hội thảo đã được chia thành 2 tiểu ban để thảo luận

[links(left)]Hầu hết các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận đều thống nhất cho rằng, di sản văn hóa là yếu tố rất quan trọng giúp các quốc gia xích lại gần nhau. Muốn bảo vệ được di sản, vai trò cùng chung tay của cộng động có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, để cộng đồng cùng tham gia thì cộng đồng phải hiểu được vị trí của di sản đồng thời di sản phải mang lại lợi ích cho cộng đồng.

TS.Ghada Abdel Moniem El-Gemaiey (Khoa khảo cổ, Đại học Cairo, Ai Cập) cho rằng, di sản không phải là thứ xa xỉ mà là nền tảng của của một xã hội văn minh, nguồn gốc của bản sắc và việc xây dựng đất nước. Không có nền văn minh nào có thể phát triển và sinh sôi mà thiếu hòa bình, điều này tác động lên nghệ thuật và kiến trúc vào thời điểm bắt đầu một biểu trưng hay biểu tượng của bất kỳ quốc gia nào.

[links(left)]TS. Ghada cũng cho rằng, di sản mang lại cho chúng ta nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là việc duy trì và bảo tồn hòa bình. Di sản văn hóa giúp các tôn giáo xích lại gần nhau hơn và đây không phải là việc làm mất thời gian hay tiền bạc.

GS.TS.Buddhadeb Chaudhuri (Đại học Calcutta, Ấn Độ) thì cho hay, là một quốc gia đa tôn giáo, việc bảo tồn các di sản văn hóa ở đây luôn hướng đến mục tiêu hòa bình, tức là có sự đồng nhất và hòa hợp. Con người trong xã hội cùng tôn trọng, đồng thuận để liên kết, bình đẳng với nhau.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa-thể thao và du lịch Đồng Nai nhấn mạnh: Xuất phát từ thực tiễn địa phương, những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di sản văn hóa kết hợp cả ba nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách Nhà nước và nguồn huy động từ xã hội hóa.

Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành trùng tu, tôn tạo được 30/47 di tích; bảo quản, xử lý mối mọt, nấm mốc cho 25/47 di tích; tu bổ, chống xuống cấp 16/47 di tích đã thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước và nhận thức của xã hội với vai trò vị trí di sản văn hóa dân tộc.

Những di tích được trùng tu, tôn tạo với những mức độ khác nhau cùng với công tác tuyên truyền quảng bá với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng đã phát huy tốt các giá trị di tích, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; nâng cao vị thế đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Một số di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa có tính đặc thù của địa phương, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch; đồng thời đóng góp vào công tác bảo tồn di sản văn hóa mang lại lợi ích lớn về vật chất và tinh thần như di tích: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông, núi Chứa Chan, Vườn quốc gia Cát Tiên….

Ngày mai 26-11, hội thảo tiếp tục làm việc.

N.P-V.T

Tin xem nhiều