(ĐN)- Theo PGS. TS Trần Công Luận, thành phần cây thuốc của Khu Bảo tồn thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai phân bố tương đối đồng nhất trên địa bàn và có rất nhiều cây thuốc quý hiếm.
(ĐN)- Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành vừa ghi nhận đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá thực trạng và tiềm năng nguồn tài nguyên cây thuốc ở Khu Bảo tồn thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai, làm tiền đề xây dựng dự án Xây dựng Vườn Quốc gia Bảo tồn và phát triển cây thuốc Đông Nam bộ” do PGS. TS Trần Công Luận làm chủ nhiệm.
Rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai |
Tiến hành điều tra trên 3 khu vực chính của Khu Bảo tồn: Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), nhóm nghiên cứu nhận thấy có 615 loài cây thuốc khác nhau trong toàn tuyến; thu thập được 724 tiêu bản của 268 loài và lưu tọa độ phân bố được 278 loài (phần lớn là cây thuốc đặc trưng quý hiếm). Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy 28 loài nằm trong Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam năm 2007 như Lệ dương, Lá khôi nhung, Vàng đắng, Huỳnh Đàng…Đồng thời, phát hiện 154 loài thuốc mới chưa được ghi nhận trong các kết quả điều tra thực vật Khu Bảo tồn trước đó như loài Ngãi rợm, Lệ dương…
PGS. TS Trần Công Luận cho rằng, thành phần cây thuốc của Khu bảo tồn phân bố tương đối đồng nhất trên địa bàn, có rất nhiều cây thuốc quý hiếm. Khu vực Vĩnh An và Mã Đà đáng được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống, trồng khai thác cây thuốc. Thành phần cây thuốc của Khu bảo tồn cũng rất đa dạng về công dụng. Nó có khả năng điều trị, hỗ trợ điều trị nhiều nhóm bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư, tăng cường sinh lực…
Hạnh Dung