Tiếp tục kỳ họp thứ 6, chiều 13-11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; vận hành khai thác các công trình thủy điện...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 13-11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; vận hành khai thác các công trình thủy điện ...
* Làm rõ trách nhiệm phê duyệt các công trình thủy điện
Đánh giá về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương có liên quan; thống nhất về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng thủy điện không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận |
Thế nhưng, nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện thời gian qua còn một số hạn chế. Một số dự án thủy điện xây dựng chưa theo đúng lộ trình, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hiệu quả đầu tư thấp; đời sống nhân dân ở vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đa số các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện để đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, bảo đảm an toàn cộng đồng dân cư và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu rõ: Trong Nghị quyết, Quốc hội cần giao Chính phủ tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, nếu không bảo đảm môi trường sẽ loại bỏ; khẩn trương ban hành đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hồ đập thủy điện và chế tài xử lý cụ thể; xác định thời gian hoàn thành trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn, lưu vực sông, rừng đặc chủng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng “chặt cây sống, trồng cây chết”.
*Tiếp tục rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện
Giải trình về việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích: Quy hoạch thủy điện là quy hoạch mang tính đặc thù, dựa trên tiềm năng, lợi thế của nước ta về nguồn thủy năng.
[links(left)]Bộ trưởng cho rằng, qua tập hợp nghiên cứu về hệ thống sông ngòi Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra vấn đề định hướng có thể khai thác tiềm năng này. Vì vậy, quy hoạch thủy điện nhất là thủy điện nhỏ chủ yếu mang tính định hướng. Quy hoạch thủy điện không phải quy hoạch bất biến, cố định mà là quy hoạch "động" và "mở", qua từng thời kỳ quy hoạch thủy điện có thể được sửa đổi, bổ sung, loại trừ những quy hoạch không khả thi. Quy hoạch thủy điện là quy hoạch cả nước, không chỉ là quy hoạch của riêng Chính phủ hay Bộ Công thương.
Trước năm 2006, Thủ thướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch các dự án thủy điện bậc thang trên các sông. Bộ Công nghiệp phê duyệt thủy điện vừa và nhỏ. Nhưng từ năm 2006 đến nay, theo phân cấp, tất cả các dự án thủy điện đều do địa phương quyết định quy hoạch, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ, ngành.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mong muốn các địa phương phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công thương rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thủy điện để các dự án này phát huy được mặt tích cực.
Đối với công tác rà soát quy hoạch các công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý các địa phương không nên chờ khi Quốc hội có Nghị quyết về về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện mới tiến hành rà soát các công trình này.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, những dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch không phải là các dự án không có tính khả thi về kinh tế mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố như môi trường, tài chính... 424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch đều đang trong giai đoạn nghiên cứu nên không gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục rà soát quy hoạch, thực hiện cơ chế đặc thù di dân tái định cư; trước khi đầu tư phải báo cáo Chính phủ mới được triển khai.
Cũng tại phiên làm việc buổi chiếu, các đại biểu Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo tiến độ, đến 2020 sẽ nâng cấp một số đoạn tiêu chuẩn thành đường cao tốc, tuy nhiên theo các đại biểu, khi xây dựng phải hoàn thiện hệ thống dịch vụ các dự án phát triển kinh tế- xã hội dọc tuyến, phân luồng giao thông giảm tải quốc lộ 1A; xây dựng các các tuyến đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1A và các khu kinh tế, cửa khẩu; đảm bảo quỹ đất sau khi nâng cấp thành đường cao tốc…
Thứ năm, ngày 14-11, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục xem xét về công tác nhân sự; buổi chiều, thảo luận ở tổ về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
P.V (Tổng hợp)