Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh thông tin

04:11, 21/11/2013

 Đó là nội dung chính được Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều 20-11.  

Chiều 20-11, tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

* Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) về nguy cơ và giải pháp khắc phục mất an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, thời gian qua có xảy ra nhiều cuộc tấn công trên mạng ở các hình thức như: từ chối dịch vụ, dùng mã độc từ các nước tấn công vào ngân hàng, trang Web, cung cấp thông tin sai trái đến các máy chủ khác....

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời các câu hỏi chấn vấn của đại biểu Quốc hộ
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời các câu hỏi chấn vấn của đại biểu Quốc hội

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân: do người dùng máy tính nhiều nhưng chưa có trình độ sử dụng thành thạo; mật khẩu đơn giản dễ bị mã độc tấn công ăn cắp thông tin; tải phần mềm, trò chơi miễn phí kèm theo mã độc…, dẫn đến nhiều máy tính nhiễm mã độc, bị ăn cắp thông tin và phá hủy máy tính. Mã độc rất nguy hại, các cuộc tấn công này ảnh hưởng đến an toàn, an ninh mạng của Việt Nam và thế giới.

Về các giải pháp để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng nêu rõ: Bộ đã quy định điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet Việt Nam; đã thành lập Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) tổ chức ứng cứu khẩn cấp máy tính trong nước và tham gia ứng cứu khẩn cấp máy tính của quốc tế; Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin; Tích cực triển khai các đề án, dự án trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao khả năng ứng cứu khẩn cấp máy tính. Các cấp, các ngành tham gia phòng, chống, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tổ chức bộ phận phụ trách an toàn, an ninh mạng chuyên trách; tham gia ứng cứu thiết bị trong cơ quan; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phần mềm được cấp phép, có bản quyền, nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực thi pháp luật, thực hiện tốt Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ đã xây dựng Luật An toàn thông tin (dự thảo lần 3), đề nghị Quốc hội đưa Dự án Luật này trong chương trình Quốc hội khóa XIII trong năm 2014, để hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

* Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hải (Hòa Bình) chất vấn về việc các nhà mạng "bắt tay nhau" đồng loạt tăng giá cước trong khi dịch vụ 3G chưa thực sự phát triển mạnh, việc tăng giá cước có hợp lý không? Việc tăng giá cước 3G có phải để bù đắp cho phần giảm doanh thu cho các dịch vụ OTT phát triển, tăng giá cước 3G nhưng chất lượng lại không song hành, thậm chí có dấu hiệu giảm sút?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu rõ: Thị trường mạng của Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua trong khi giá cước viễn thông từ khi phát triển đến nay hầu như không tăng. Việc tăng giá cước 3G là thực hiện chủ trương chung của Nhà nước, phù hợp với quy định hiện hành trong các luật và cam kết Quốc tế của Việt Nam. Các dịch vụ theo từng giai đoạn phát triển: mới ra đời, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái... Giai đoạn đầu phải giảm giá để thu hút người dùng nhưng sau đó tăng giá dần lên nhưng Việt Nam đã giảm giá viễn thông quá lâu. Giá viễn thông của Việt Nam đã thấp hơn giá của thế giới rất nhiều lần (đối với thế giới là 34-37%). Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 yêu cầu phải từng bước nâng giá viễn thông để bảo đảm giá viễn thông bằng và trên giá thành, bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh. Luật cạnh tranh cũng quy định các nhà chiếm lĩnh thị trường không được bán dưới giá thành.

Bộ trưởng cũng cho biết, cước phát sinh của các nhà mạng trong tháng 9 có 90 triệu thuê bao chỉ có gần 19 triệu thuê bao dùng 3G. Trong số các thuê bao này, chỉ nâng giá cước 3G đối với nhóm dùng gói cước Data để truyền ảnh, tin, số liệu và truy cập internet còn các phần khác vẫn giữ nguyên. Trong gói cước đó có gói tăng, gói giảm, tổng cộng là tăng khoảng 20%. Theo thống kê của Bộ, trong một tháng tăng giá cước vừa qua doanh thu của các nhà viễn thông đã tăng lên được khoảng 2%. Tất cả các nhà mạng đều là của cơ quan Nhà nước, vì vậy việc tăng giá cước là đóng góp cho Nhà nước. Ngoài ra, các nhà mạng viễn thông hầu hết các thiết bị nhập ở nước ngoài (trên 80%), người dân dùng mạng internet, nhà mạng phải thanh toán tiền với quốc tế, nên không thể "thanh toán giá cao, bán giá thấp được". Đồng thời, việc tăng giá cước vừa qua cũng là tăng giá cước đối với nhóm người có thu nhập cao, sử dụng Smart phone.

Về tăng giá cước 3G, theo Bộ trưởng, không chỉ để thu lại lợi nhuận phục vụ cho việc đầu tư hạ tầng mạng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông Việt Nam, trong đó có phần để bù đắp cho OTT, nhưng không phải có OTT mà tăng giá cước 3G. Bộ đã có Chỉ thị 75/CT-BTTTT về tăng cường quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông quốc tế, trong đó có chế tài từng bước phối hợp với các nhà mạng phục vụ OTT để chia sẻ có trách nhiệm đối với hạ tầng viễn thông Việt Nam.

Bộ trưởng thừa nhận rằng chất lượng hạ tầng mạng của chúng ta chưa cao, trong thời gian qua chúng ta đã đầu tư vào mạng 3G khoảng 2 tỷ USD nhưng giá cước thấp nên không có điều kiện để có nguồn tiền lớn hơn nữa để đầu tư nâng cấp chất lượng hạ tầng mạng, trong khi đó người dùng tăng, tỷ lệ nghịch với việc gia tăng đầu tư mạng. Tăng giá cước có điều kiện nâng cao chất lượng hạ tầng, nhà mạng có đầu tư thích đáng, cải thiện chất lượng phục vụ.

* Tạo điều kiện báo chí tiếp cận nhanh, kịp thời thông tin chính thống của các cấp, các ngành

[links(left)]Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến về công tác quản lý báo chí, quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Nước ta hiện nay có đội ngũ báo chí tương đối hùng hậu với 838 cơ quan báo chí với 17.000 phóng viên được cấp thẻ hành nghề trên cả nước.

Tuy nhiên, báo chí có hạn chế, yếu kém như: chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, một số cơ quan báo chí đưa quá nhiều thông tin mặt trái, đưa thông tin thiếu chính xác, thậm chí có thông tin sai trái, thông tin không được kiểm chứng, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục….

Bộ trưởng nhấn mạnh: Báo chí không chỉ là những người cung cấp thông tin mà quan trọng hơn nữa, báo chí còn phải là người xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội để toàn đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, việc quan lý báo chí trong thời gian tới là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của đất nước. Trách nhiệm của Bộ tham mưu với Chính phủ ban hành các quy định quyết định để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về báo chí. Bộ tiếp tục đề nghị Chính phủ ban hành nhiều hơn nữa các quy định để có chế tài quản lý để báo chí hoạt động nền nếp hơn; khắc phục những bất cập của Luật báo chí trong tình hình hiện nay.

Bộ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo báo chí tiếp cận nhanh, kịp thời, thông tin chính xác, thông tin chính thống của các cơ quan, địa phương, có nhiều thông tin tốt sẽ có điều kiện để đẩy lùi thông tin xấu trên các trang báo, trang mạng.

Khi tiếp cận các thông tin, nhà báo phải là người lính xung kích trên mặt trận tự tưởng, tăng cường thông tin người tốt việc tốt, xây dựng lòng tin, phê phán thông tin mặt trái, tiêu cực xã hội, phân tích nguyên nhân để cảnh báo cho người dân các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phòng tránh mặt trái đó.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thành tra của báo chí; cơ quan chủ quản báo chí nâng cao vai trò trách nhiệm của mình đối với cơ quan báo chí để duy trì thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ thường xuyên cho phóng viên, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai trái của cơ quan báo chí…

Thứ năm, ngày 21-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. .

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều