Báo Đồng Nai điện tử
En

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 về "tam nông"

12:03, 15/03/2014

Sáng 14-3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về việc sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sáng 14-3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về việc sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ Nghị quyết được triển khai khá đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng, cả hệ thống chính trị vào cuộc và được người dân hưởng ứng tích cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

Sau năm năm, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển, sản lượng nhiều loại nông sản hàng hóa tăng mạnh, chất lượng tăng dần, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước, xuất khẩu tăng mạnh, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho nông dân.

Giai đoạn 2009-2013, GDP nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%, năm 2013 đạt khoảng 27,5 tỷ USD. Trình độ khoa học công nghệ được nâng lên. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội. Đời sống của nông dân được nâng cao nhanh hơn, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng gần 20 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, sôi nổi. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi thay đổi nhanh chóng theo hướng khang trang, văn minh hơn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện nhanh. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững.

Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của nông lâm ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp. Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn còn thấp. Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lao động nông thôn chậm được đào tạo, tỷ lệ thiếu việc làm cao, năng suất lao động thấp. Nông dân chưa thực sự phát huy vai trò là “chủ thể” trong quá trình phát triển…

Một số chủ trương, giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới được xác định là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn; rà soát, điều chỉnh bổ sung nâng cao chất lượng các quy hoạch.

Việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn tiếp tục được nâng cao, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn.

Các hình thức tổ chức sản xuất được chú trọng đổi mới; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Các cấp, ngành quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, tăng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn; đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp.

Tại buổi làm việc, tập thể Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan đã thảo luận, cho ý kiến về những kết quả đạt được; những hạn chế yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết và nguyên nhân; một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo để tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến năm 2020.

Thay mặt Bộ Chính trị, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan đã tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết bài bản, công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, bám sát nội dung Nghị quyết Trung ương, kiểm điểm làm rõ những mặt làm được, chưa được, nguyên nhân, những vướng mắc; nhấn mạnh làm rõ thêm những vấn đề lớn, quan trọng sắp tới chỉ đạo thực hiện tốt hơn.

Bộ Chính trị khẳng định việc Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là rất cần thiết, đúng đắn và có ý nghĩa hết sức quan quan trọng. Nội dung của Nghị quyết rất toàn diện, có tính chiến lược, đột phá. Chính vì vậy, Nghị quyết được sự nhất trí cao trong Đảng và cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Nghị quyết đã sớm đi vào cuộc sống và đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ…

Đạt được kết quả tích cực trên là do các cấp ủy, chính quyền và các ngành đã tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, ráo riết từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc, phối hợp của các ngành, các cấp và đặc biệt được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế, không được chủ quan.

Cơ bản tán thành, nhất trí với các chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo để tiếp tục thực hiện Nghị quyết có hiệu quả cao hơn, Tổng Bí thư nhấn mạnh trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước; xác định rõ vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nền tảng, xây dựng nông thôn mới là căn bản và phát triển, xây dựng giai cấp nông dân là then chốt; coi đây là những vấn đề chiến lược trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới. Việc chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển giai cấp nông dân, tiềm năng còn lớn, dư địa đổi mới còn nhiều, có triển vọng tốt.

Nhiều vấn đề nêu tại nghị quyết của Trung ương vẫn còn nguyên giá trị. Cần nhận thức đầy đủ những thuận lợi và những khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế đặt ra, vấn đề cấp bách, đặc biệt quan trọng trong thời gian sắp tới là làm sao tái cơ cấu kinh tế nền nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chủ trương chung.

Trên cơ sở nhận thức ấy, cần xác định những vấn đề cần quan tâm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và chăm lo đời sống của nông dân, phát huy nội lực, quyền dân chủ của nông dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy, chính quyền xác định rõ và tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nhất là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng, miền, địa phương để phát huy tối đa lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, giữ gìn, bảo đảm môi trường sinh thái. Tiếp tục thực hiện tốt và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xác định cơ cấu kinh tế từng vùng, từng địa phương cho phù hợp, phát huy lợi thế của nông nghiệp; bảo đảm làm đồng bộ và có chất lượng các quy hoạch theo ngành sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, ngư nghiệp…), lĩnh vực (đất đai, lao động, dân cư, cơ sở hạ tầng…), quy hoạch các vùng, địa phương; kiên quyết tổ chức thực hiện, quản lý nghiêm theo quy hoạch.

Các cấp, ngành cần khẩn trương ban hành và hướng dẫn đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách đã được nêu trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ; tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tiễn, nhất là chính sách đất đai, chính sách đầu tư, chính sách thuế, bảo hiểm, đào tạo nghề cho nông dân, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tìm mọi cách huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, phát huy quyền làm chủ nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cần tập trung đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nghề phù hợp với ngành nghề sản xuất mới, tăng cường và tạo mọi điều kiện để nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ năng suất lao động, tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp và phát huy vai trò giám sát, vai trò làm chủ của nông dân trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp.

Về xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là chủ trương tốt, được lòng dân và đang thành phong trào, cần tiếp tục kiên trì thực hiện. Trong thời gian tới, các địa phương, các ngành liên quan cần tiếp tục rút kinh nghiệm chỉ đạo làm tốt Chương trình này, cần chú ý xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế và xã hội, xây dựng phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo đảm môi trường nông thôn.

Bộ Chính trị thống nhất sẽ ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.

Theo TTXVN

 

Tin xem nhiều