(ĐN)- Đó là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào sáng 27-5 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
(ĐN)- Đó là một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia phát biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào sáng 27-5 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
* Quan tâm đến nhóm đối tượng nhà cho thuê và nhà công vụ
Đối với dự án Luật Nhà ở sửa đổi, đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) cho rằng, quy định như dự thảo còn mang nặng tính định hướng và chính sách chung chung nhiều hơn là quy định chi tiết, cụ thể, để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến nhà ở. Do chưa có những ràng buộc, cũng như những chế tài xử lý cụ thể, nên dự án luật còn mập mờ, một số nội dung trong dự án luật có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau nên tính thống nhất pháp lý chưa đảm bảo.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận |
Đại biểu Trần Văn Tư đề nghị, trong dự án luật cần quan tâm đến vấn đề nhà cho thuê. Bởi, theo đại biểu, hiện nay nhu cầu thuê và cho thuê nhà là rất cao, nhất là trong các vùng kinh tế trọng điểm, có tỷ lệ dân nhập cư cao như tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, do chưa có các chính sách cụ thể cho đối tượng này nên thị trường nhà ở cho thuê còn mang nặng tính tự phát, khó quản lý. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên quy định chi tiết các chuẩn mực trong xây dựng nhà cho thuê như: diện tích, kỹ thuật, cây xanh, môi trường…, cũng như là các chính sách ưu đãi về thuế, về tín dụng.
Đối với nhà ở công vụ, đại biểu Trần Văn Tư cho rằng nên hạn chế đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ, không xây dựng tràn làn, quản lý không chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lãng phí, khó kiểm soát như hiện nay.
* Quản lý, phát triển hiệu quả nhà ở xã hội
Theo đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), khi xây dựng luật, phải đảm bảo tính đồng bộ của 2 dự án luật này với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như luật sửa đổi trong tương lai, trong đó đặc biệt liên quan mật thiết đến Luật Đất đai.
Việc quản lý, phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản, nhất thiết phải tuân theo quy hoạch, vì chỉ việc quản lý qua quy hoạch thì mới hạn chế được những tiêu cực mà chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua như: đầu cơ, giá ảo, thị trường đóng băng…
Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở công vụ |
Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, chính sách quản lý và phát triển nhà ở xã hội hiện nay còn mang nặng tính bao cấp tràn lan. Nhà nước không thể quản lý, hỗ trợ tất cả các hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội được. Đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh tế khác trong xã hội cùng tham gia phát triển thị trường nhà ở xã hội để tạo quỹ nhà ở xã hội phong phú, đa dạng… Bên cạnh đó, cần có thông tin hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; rà soát và hoàn thiện các chính sách là ưu tiên số 1 hiện nay trong việc quản lý, phát triển nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng, tại Điều 4, Dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi), đề nghị làm rõ thế nào là "nhà ở hợp pháp". Chỉ khi xác định được tính hợp pháp của các loại nhà ở thì mới đủ cơ sở áp dụng các quy định có liên quan trong dự thảo luật.
Đại biểu tán thành việc tạo cơ chế cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) có quyền mua nhà ở, nhưng đề nghị phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng gửi tiền về cho người thân mua nhà, rồi sang bán, chuyển nhượng, gây lũng đoạn thị trường như thời gian vừa qua.
Đức Nhuận