Ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương.
Sau khi nghe báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Chính phủ kết luận chỉ đạo về vấn đề này.
Vừa qua, nhân dân cả nước đã cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Một số người biểu tình đã có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm. Hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế để bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.
Để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Ngoại giao tiếp tục thông báo đầy đủ cho các quốc gia và vùng lãnh thổ về thực trạng tình hình và sự chỉ đạo của Chính phủ nêu trên. Đề nghị các nước động viên, khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
2. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ và hợp tác chặt chẽ để sớm khắc phục hậu quả, phát triển sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích chung. Các bộ, ngành, địa phương trực tiếp làm việc cùng doanh nghiệp trên tinh thần xây dựng, thực hiện mọi giải pháp phù hợp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp. Tập trung vào những việc chủ yếu sau đây:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có doanh nghiệp bị thiệt hại phải cử cán bộ làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp để nắm chắc thực tế tình hình, đồng thời công bố ngay bộ phận đầu mối tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là hỗ trợ khôi phục, xác nhận, cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại và áp dụng các chính sách, chế độ liên quan. Trường hợp hồ sơ, tài liệu, chứng từ bị mất, cho phép các cơ quan thực hiện dựa trên cam kết của doanh nghiệp và hậu kiểm.
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan:
- Hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm xác định và đưa thiệt hại của các doanh nghiệp vào phạm vi được bảo hiểm; khẩn trương xác định giá trị thiệt hại để thực hiện bồi thường theo thủ tục đơn giản, rút gọn; ứng trước tiền bồi thường đối với những trường hợp đã xác định rõ thuộc phạm vi, đối tượng được bảo hiểm.
- Chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan căn cứ thiệt hại thực tế của doanh nghiệp, thực hiện việc gia hạn thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước đối với số phát sinh trước tháng 5 mà chưa nộp, tương ứng với mức độ thiệt hại. Thời gian gia hạn tối đa là hai năm, không phạt chậm nộp đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại.
- Chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện việc miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với những khoản thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hoá bị tổn thất; cho phép thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế.
- Chỉ đạo cơ quan thuế khẩn trương thực hiện việc khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bị thiệt hại mà không được bồi thường, bao gồm cả trường hợp không còn chứng từ, hoá đơn.
- Chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn doanh nghiệp kê khai vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần giá trị thiệt hại không được bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường và phần trả lãi vay góp vốn điều lệ cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại.
- Hướng dẫn giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.
c) Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị thiệt hại. Trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại thuê hạ tầng gắn với quyền sử dụng đất thì miễn, giảm tiền thuê đất cho công ty kinh doanh hạ tầng; số tiền này được khấu trừ tương ứng vào tiền thuê hạ tầng của doanh nghiệp bị thiệt hại.
d) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương có các biện pháp thích hợp để hỗ trợ, cung ứng lao động thay thế kịp thời cho lực lượng lao động bị thiếu hụt. Bộ Công an tạo mọi điều kiện thuận lợi để cấp thị thực nhập cảnh nhanh cho nhà đầu tư và lao động nước ngoài vào Việt Nam đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại và có nhu cầu bổ sung lao động nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách về lao động, cho phép áp dụng ngay quy định chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam chỉ cần có trình độ đại học, cử nhân trở lên hoặc có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến làm việc; đối với việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam từ sáu tháng trở lên thì chỉ cần Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại chưa thể hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và không có khả năng trả tiền lương cho người lao động từ tháng 4-6/2014 thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát danh sách, vận dụng quy định về chế độ bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết cho người lao động phần tiền lương còn nợ. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp tình hình thực hiện của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý và đề xuất phương án áp dụng từ sau tháng Sáu.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động, tích cực có các biện pháp kịp thời, cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ giao dịch, vay vốn nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
e) Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời tích cực truy tìm, thu hồi và trả lại tài sản, các thiết bị kỹ thuật bị mất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.