Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại

03:05, 22/05/2014

Ngày 22-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã làm việc với Đồng Nai về việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại để sớm trở lại sản xuất kinh doanh sau sự cố ngày 13, 14-5.

Ngày 22-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã làm việc với Đồng Nai về việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại để sớm trở lại sản xuất kinh doanh sau sự cố ngày 13, 14-5.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với doanh nghiệp bên ngoài buổi làm việc
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với doanh nghiệp bên ngoài buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Đồng Nai và Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Đồng Nai, cùng các Công ty kinh doanh hạ tầng trên địa bàn tỉnh đều mong Chính phủ xử lý nghiêm các đối tượng quá khích, đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Đồng Nai, cũng như cả nước.

* Không để xảy ra vụ việc tương tự

Thông điệp đầu tiên được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gửi tới các doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai là: "Chính phủ sẽ phối hợp với địa phương tuyệt đối không để xảy ra vụ việc tương tự như vừa qua. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại như: giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giải quyết bảo hiểm cho doanh nghiệp. Các công ty khó khăn có thể ứng trước số tiền bảo hiểm để chi trả cho công nhân phục hồi sản xuất".

Tại buổi làm việc với tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, Đồng Nai sớm thống kê thiệt hại của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ để làm căn cứ giảm trừ thuế, tiền thuê đất cho phù hợp. Những doanh nghiệp bị thiệt hại đang vay vốn ngân hàng sẽ được gia hạn nợ cũ và cho vay mới để tiếp tục đầu tư sản xuất. Các công ty có công nhân và chuyên gia nước ngoài đã về nước phải thuê lao động mới từ nước ngoài sẽ được hỗ trợ làm thủ tục trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để công nhân hiểu rõ và thể hiện lòng yêu nước đúng cách. Việc biểu tình đập phá các công ty của những công nhân quá khích không phải là hành động yêu nước mà là đang phá hoại đất nước. Hành động này là kém hiểu biết, chẳng khác nào tự mình đập vỡ nồi cơm của mình.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo tỉnh đã chia thành nhiều đoàn xuống động viên và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, một số doanh nghiệp lúc đầu hoang mang định bỏ về nước, đã yên tâm ở lại sản xuất. Đến sáng 22-5, 196/198 doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại sản xuất bình thường. Còn lại 2 doanh nghiệp bị cháy nhà máy đang trong quá trình làm lại nhà xưởng, khả năng trong thời gian ngắn sẽ hoạt động trở lại.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho hay: "Ngay sau khi xảy ra biểu tình, Liên đoàn đã phối hợp với Tỉnh đội, Công an tỉnh tổ chức những buổi tuyên truyền về tình hình biển Đông tại các công ty có số lượng công nhân lớn để họ hiểu rõ tình hình và thể hiện lòng yêu nước đúng cách". Cũng theo ông Kiệt, sau các buổi tuyên truyền như vậy, công nhân tại những công ty lớn đã không tham gia biểu tình, mà còn phối hợp với bảo vệ giữ gìn tài sản cho công ty.

*Doanh nghiệp tự bảo vệ

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai nhận xét: "Điểm yếu nhất của các doanh nghiệp nước ngoài là chỉ thuê bảo vệ, không chú trọng đến công tác phát triển lực lượng bảo vệ từ những công nhân trong công ty. Sự cố lần này sẽ là bài học để các doanh nghiệp xem lại công tác đào tạo, xây dựng lực lượng bảo vệ ngay trong công ty". Bà Hồng cũng cho hay, chỉ có hơn 10 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh. Song, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng nên chấn chỉnh lại hệ thống bảo vệ khu công nghiệp; xây dựng chương trình phòng chống rủi ro cho các doanh nghiệp để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư ổn định sản xuất, Chính phủ nhanh chóng chi trả cho các hợp đồng bảo hiểm, đơn giản hóa các thủ tục trong miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng.

Đại diện Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai bày tỏ: "Hai năm trước xảy ra tranh chấp biển đảo Trung Quốc và Nhật Bản, doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc bị đập phá nặng nề, nhưng phía chính quyền Trung Quốc không có bất kỳ động thái nào chia sẻ. Nhưng tại Việt Nam, Chính phủ rất quan tâm chia sẻ. Thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Đồng Nai cũng như cả nước".

Ông Yoo Sun Hyong, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai đề xuất: "Để khôi phục lòng tin cho các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như các doanh nghiệp nước ngoài, Chính phủ nên sớm giảm thuế, giảm tiền thuê đất và các chính sách khác cho những doanh nghiệp bị thiệt hại. Đồng thời, nhanh chóng giải quyết ổn thỏa tranh chấp tại biển Đông để các các doanh nghiệp nước ngoài và đối tác yên tâm đầu tư".

Ông Võ Thanh Lập, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp cho hay, tỉnh đã triển khai đồng loạt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: khấu trừ thuế VAT đầu vào cho hàng hóa bị thiệt hại, Hải quan hỗ trợ việc kê khai hoặc sao y các hóa đơn xuất nhập khẩu bị mất. Hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở cho các chuyên gia, công nhân người nước ngoài trong các ngày xảy ra sự cố.

                                  Hương Giang

 

Tin xem nhiều