Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn giải pháp phát triển cây điều bền vững

04:06, 15/06/2014

(ĐN)- Ngày 12-6, tại Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất điều bền vững với sự tham gia của đại diện Hiệp hội điều Việt Nam, Sở NN –PTNT, doanh nghiệp và nông dân trồng điều của các tỉnh duyên hải miềnTrung và Đông Nam bộ.

(ĐN)- Ngày 12-6, tại Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất điều bền vững với sự tham gia của đại diện Hiệp hội điều Việt Nam, Sở NN –PTNT, doanh nghiệp và nông dân trồng điều của các tỉnh duyên hải miềnTrung và Đông Nam bộ.

 Đông đảo nông dân về dự hội nghị.
Đông đảo nông dân về dự hội nghị.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam, với giá trị xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD/năm, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Hiện cả nước có khoảng 1 ngàn doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều, nhưng nguồn nguyên liệu điều trong nước chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu chế biến. Năm 2013, cả nước còn hơn 313 ngàn hécta điều, giảm 120 ngàn hécta so với năm 2005. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 15 ngàn hécta điều bị chặt bỏ.

Tại Đồng Nai, cây điều đứng ở top đầu về diện tích canh tác với gần 45 ngàn hécta, chiếm khoảng 22% diện tích cây lâu năm. Năm 2013, giá trị sản xuất bình quân của cây điều chỉ đạt 20 triệu đồng/hécta/năm; lợi nhuận là 6,3 triệu/hécta, bằng 20% của cây cà phê, 7% so với cây tiêu.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, nông dân bỏ cây điều vì so với mức giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt trên 90 triệu đồng/hécta, hiệu quả kinh tế của cây điều đang ở mức thấp nhất. Đây không chỉ là khó khăn cho nông dân trồng điều, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tăng diện tích điều cả nước lên 350 ngàn hécta, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điều tăng lên 2,5 tỷ USD/năm. 4 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận được quy hoạch là vùng trọng điểm với diện tích khoảng 200 ngàn hécta điều. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là năng suất cây điều còn thấp; diện tích trồng phân tán; tỷ lệ điều già cỗi, giống kém chất lượng cần cải tạo, trồng mới còn lớn; chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và chế biến…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, muốn giữ ngành điều phải giữ được cái gốc là vùng nguyên liệu. Bộ sẽ đầu tư về tài chính cho các trung tâm nghiên cứu, cũng như hỗ trợ tài chính để các trung tâm khuyến nông xây dựng được mô hình điều bền vững. Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, có sự phân công rõ cho những bộ phận liên quan để tạo được sự đổi mới, phát triển cho ngành điều.

Dịp này, Ban Chỉ đạo phát triển điều bền vững do Thứ Trưởng Bộ NN – PTNT Lê Quốc Doanh làm trưởng ban đã ra mắt.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều